Đóng góp Quốc gia tự quyết định (NDC), thị trường carbon, bể chứa carbon, nền kinh tế phát thải thấp, v.v. Tất cả những khái niệm chính sách này đều cực kỳ quan trọng. Nhưng để áp dụng được chúng vào thực tế, trước hết cần trả lời một câu hỏi căn bản: Cụ thể chúng ta đang phát thải bao nhiêu?
Xin chào các bạn, tớ là Thuỵ Vi- một 9x mới tốt nghiệp ngành Kỹ sư Năng lượng và Môi trường. Tớ đã may mắn có cơ hội được tham gia vào một phần của dự án kiểm kê khí nhà kính (KNK) 2016 của thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) được thực hiện vào năm 2019, và rất muốn được chia sẻ trải nghiệm này với các bạn trẻ quan tâm!
Kiểm kê KNK: Chặng đường 11 tháng
TPHCM là thành phố lớn nhất Việt Nam với hơn 9 triệu dân. Vậy bạn nghĩ để “truy lùng” phát thải của cả thành phố này cần bao nhiêu thời gian?
HÌNH 1. Kế hoạch thực hiện kiểm kê (vẽ lại dựa vào JICA 2017, 13)
Trong năm 2019, tổng cộng cần 11 tháng để hoàn tất quá trình kiểm kê tại TPHCM. Trong kì thực tập của tớ tại Trung tâm Công nghệ và Quản lý Môi trường- ETM, tớ may mắn được đóng góp vào việc “Thực hiện kiểm kê” cho Sở Tài Nguyên Môi Trường (DONRE) của TPHCM. Đây là một phần của dự án Hỗ trợ lên kế hoạch và thực hiện các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia (SPI-NAMA), được tài trợ bởi Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA).
Các chuyên gia của JICA đã tập huấn và có hỗ trợ ETM trong quá trình kiểm kê KNK dựa vào Nghị định thư toàn cầu về Kiểm kê KNK quy mô cộng đồng (GPC) và Hướng dẫn của IPCC năm 2006 về Kiểm kê KNK quốc gia (đọc tên thôi nghe cũng chóng mặt nhỉ :P).
Hiểu đơn giản, lượng phát thải và hấp thụ KNK do hoạt động của con người trong thành phố thuộc năm lĩnh vực chính dưới đây sẽ được tính toán (JICA 2017,4):
- Năng lượng cố định
- Giao thông
- Chất thải
- Quá trình công nghiệp và sử dụng sản phẩm (IPPU)
- Nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất khác (AFOLU)
Về cơ bản, lượng phát thải sẽ được tính dựa vào phương trình sau (JICA 2017, 5):
Phát thải = Số liệu hoạt động x Hệ số phát thải (1)
Trong đó:
– Phát thải: đơn vị tấn CO2 tương đương.
– Số liệu hoạt động: thước đo định lượng của một hoạt động phát thải trong một khoảng thời gian xác định. Ví dụ như: lượng xăng sử dụng, lượng điện tiêu thụ, lượng chất thải rắn (tấn) được đưa đến bãi chôn lấp, etc.
– Hệ số phát thải: đơn vị đo lượng phát thải và hấp thụ KNK so với một đơn vị hoạt động.
Đây là kết quả kiểm kê KNK năm 2016 của TPHCM:
HÌNH 2. Kết quả kiểm kê KNK của TPHCM năm 2016 (Nguồn: C40 Knowledge Hub) đây
Các khó khăn gặp phải?
Nhờ sự hỗ trợ tận tình của DONRE suốt trong quá trình khảo sát thu thập thông tin, ban đầu số liệu sẽ được lấy từ Niên giám thống kê hoặc dựa trên dữ liệu của các Sở ngành liên quan, phần còn thiếu sẽ sử dụng dữ liệu thu thập được từ các doanh nghiệp. Quá trình này, tớ gặp không ít thử thách…
Bạn đã bao giờ thử tìm cách liên hệ với hơn 700 đơn vị chưa? Nhắn tin, gọi điện, email, thậm chí đến tận công ty để có được số liệu cần thiết?! Trong cuộc “truy lùng” phát thải, tớ gặp khó khăn nhất khi xin số liệu từ hơn 700 doanh nghiệp trong địa bàn thành phố.
Thông thường, theo công văn của sở, kiểm kê KNK sẽ được thực hiện 2 năm 1 lần, tuy nhiên, vì nhiều lý do mà nhiệm vụ kiểm kê cho năm 2016 được dời lại 1 năm. Do đó, thời gian thực hiện thống kê (2019) cách năm cần thống kê (2016) đến tận 3 năm, nên chưa chắc các đơn vị cung cấp thông tin có giữ lại số liệu hoặc có đủ cơ sở để trả lời hết các câu hỏi trong biểu mẫu. Ví dụ như mình cần dữ liệu về lượng điện/ nhiên liệu cho quá trình nạo vét bùn trên địa bàn TPHCM nhưng lại nhận được thông tin về lượng bùn nạo vét, còn lượng điện/ nhiên liệu này lại không được thống kê.
Chưa kể trường hợp điền sai thông tin: tại sao nhà xe này mới tậu thêm 10 chiếc bus đời mới mà lượng xăng tiêu thụ lại giảm so với năm trước?! Tớ lại phải cố gắng đi tìm lời giải đáp cho những nghịch lý như vậy.
Nhưng có lẽ đáng nhớ nhất là những doanh nghiệp “lầy lội” dưới đây.
Thật ra đây cũng là tình trạng chung của các nhóm thực hiện công việc khảo sát. Tuy nhiên, theo lời chia sẻ của chị Dung- phụ trách dự án này tại ETM, tình hình này đã được cải thiện khi ETM kiểm kê KNK cho năm 2018 vào năm ngoái 2020. Điều này có thể là do các đơn vị đã quen với nhiệm vụ và hiểu rõ những thông tin cần đưa ra cũng giống 1 năm trước, không có gì quá nghiêm trọng khi cung cấp. Bên cạnh đó, vẫn có nhiều đơn vị chủ động liên hệ để làm rõ cũng như cung cấp thông tin cho ETM.
Nhìn chung, quá trình kiểm kê KNK sử dụng khoảng 14 file Excel siêu to khổng lồ liên kết với nhau. Số liệu và công thức cần thiết đã được tích hợp sẵn, nhiệm vụ chính của tớ là nhập số liệu thu thập được vào file Input Data và các bảng tính sẽ tự động xuất ra kết quả. Trên lý thuyết là thế thôi nhưng quá trình hiệu đính, quy đổi, kiểm tra, thậm chí là cập nhật công thức phù hợp hơn với hiện trạng thực tế của TPHCM (được cải tiến qua từng năm) cũng tốn khá nhiều công sức đấy.
Khó khăn là thế, nhưng trong quá trình làm việc, tớ nhận thấy mọi người đang cố hết sức để có thể đo đạc phát thải một cách chính xác nhất để DONRE có một cơ sở dữ liệu đáng tin cậy, từ đó có thể đưa ra những giải pháp hiệu quả. Những giờ làm việc quên cả ăn trưa làm tớ ý thức được ảnh hưởng nghiêm trọng của BĐKH lên thế giới nói chung và thành phố của tớ nói riêng, cũng như tâm huyết của những con người làm việc trong lĩnh vực này.
Điều này khiến tớ tự hỏi: thanh niên chúng ta có thể làm gì để chung tay góp sức giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu?
Tương lai cho thanh niên
Các bạn không cần học chuyên ngành Môi trường mới có thể bảo vệ môi trường! Theo tớ thấy thì hiện nay, ngoài những ngành đặc thù thì các công việc đều đang được xanh hoá.
Sự sáng tạo của thanh niên trong lĩnh vực “truy lùng” phát thải là rất cần thiết. Trong một cuộc họp tại DONRE, một chuyên gia JICA đã gợi ý về trang web cho các doanh nghiệp tự động nhập số liệu online khi đến kỳ hạn như ở Nhật thay vì phải chờ DONRE gửi biểu mẫu để điền vào rồi trả lại bằng đường bưu điện. Cổng gửi thông tin online này sẽ góp tạo tính đồng nhất, cung cấp dữ liệu chính xác và kịp thời.
Hơn thế nữa, công nghệ thông tin sẽ có rất nhiều ứng dụng trong lĩnh vực giảm nhẹ và thích ứng với BĐKH. Tớ biết một start-up dùng công nghệ chuỗi khối (blockchain) để tạo ra một nền tảng chung liên kết các công ty cung cấp năng lượng và đơn vị sử dụng năng lượng, từ đó tự động tính toán phát thải một cách minh bạch. Hoặc ý tưởng của một bạn trẻ trong nhóm Đại biểu tập sự MOCK COP26 của YNET, về việc áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong khảo sát – phán đoán và đưa ra các biện pháp cải tạo môi trường.
Việc áp dụng hiệu quả các công nghệ trên sẽ giúp công việc quản lý của các cô chú tại DONRE tốt hơn, chặt chẽ hơn. Bên cạnh đó, ngày càng nhiều các công ty đang hướng tới phát triển bền vững, mô hình kinh tế tuần hoàn, tạo ra nhiều cơ hội cho các nhà tư vấn chiến lược có chuyên môn.
Khi mọi người đã nhận thức được sự nghiêm trọng của biến đổi khí hậu thì các thanh niên quan tâm tới bảo vệ môi trường sẽ có nhiều cơ hội để học tập, rèn luyện và đóng góp cho xã hội hơn.
Bản thân Vi cũng vừa quyết định theo đuổi ngành học Thạc sĩ về Khoa học và Chính sách Biến đổi Khí hậu với sự hỗ trợ của Hội Đồng Anh. Tớ rất mong có thể góp phần giảm nhẹ tình trạng nóng lên toàn cầu và chia sẻ thêm những thông tin hay ho cho Cổng thông tin trong tương lai!
The world is your oyster.
Lời cảm ơn: em rất biết ơn mọi người tại Trung tâm Công nghệ và Quản lý Môi trường ETM đã giúp đỡ Vi rất nhiều trong quá trình thực tập. Em cũng xin cảm ơn phòng Nghiên Cứu của ETM đã cung cấp thêm nhiều thông tin bổ ích để em có thể hoàn thành bài viết này ạ. Em xin chân thành cảm ơn.
Trích dẫn:
JICA; MONRE; DONRE. (2017). Cấp thành phố tài liệu hướng dẫn kiểm kê khí nhà kính. 4-5, 13.
C40 Knowledge Hub. Greenhouse gas emissions interactive dashboard. Đọc: 01/05/2021 từ https://www.c40knowledgehub.org/s/article/C40-cities-greenhouse-gas-emissions-interactive-dashboard?language=en_US
Recent Comments