Cơ hội và động cơ giảm nhẹ phát thải khí nhà kính lâu dài ở Việt Nam
Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức toàn cầu lớn nhất hiện nay. Trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 25 tháng 09 năm 2018, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên LHQ thực hiện các hành động và cam kết giảm nhẹ theo Thỏa thuận Paris với tham vọng lớn hơn và cấp bách hơn. Hành động khí hậu đã tạo ra cơ hội phát triển to lớn và nếu được quản lý một cách chủ động, hành động đó có thể tạo ra thêm 26 nghìn tỷ USD cho nền kinh tế thế giới và 24 triệu công ăn việc làm mới trên toàn thế giới vào năm 2030.
Việt Nam đã chủ động triển khai các mục tiêu phát triển bền vững và Thỏa thuận Khí hậu Paris. Việt Nam đã cam kết giảm lượng phát thải hàng năm với nguồn lực trong nước ở mức 8% tới năm 2030 nếu so sánh với Kịch bản thông thường.
Trong bối cảnh này, Báo cáo thảo luận của UNDP về “Cơ hội và động cơ giảm nhẹ phát thải khí nhà kính lâu dài ở Việt Nam: Đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris và Đẩy nhanh tiến độ hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững – SDG” đã cho thấy rằng tăng trưởng kinh tế có chất lượng cùng với các hành động biến đổi khí hậu đầy tham vọng và hấp dẫn về kinh tế ở Việt Nam là khả thi. Báo cáo này cũng xem xét tất cả các nguồn phát thải khí nhà kính chủ yếu và các cơ hội giảm phát thải, tập trung đặc biệt vào việc chuyển đổi sang Năng Lượng Tái Tạo ở mức độ cao và hiệu quả năng lượng nhằm cải thiện sự độc lập về năng lượng của Việt Nam và giúp Việt Nam thực hiện lộ trình phát triển các-bon thấp.
Báo cáo cho thấy rằng ngay cả khi tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) có thể thấp hơn trong những năm đầu so với kịch bản thông thường, nhưng con đường không sử dụng nhiên liệu hóa thạch tới năm 2050 sẽ làm tăng tổng sản phẩm quốc nội và đem đến các lợi ích về môi trường xã hội và sức khỏe.
Để tìm hiểu thêm về báo cáo và UNDP tại Việt Nam, vui lòng truy cập đường link sau – https://www.vn.undp.org/content/vietnam/en/home/library/environment_climate/long-term-greenhouse-gas-emission-mitigation-opportunities-and-d.html