Không biết cảm giác của các bạn khi đến với những khu rừng là gì? Còn với tôi, tôi vẫn nhớ mãi không quên cảm giác được đắm chìm trong màu xanh lá, được hít thở không khí tự nhiên, trong lành, mát rượi của khu rừng. Mặc dù đã đi nhiều khu rừng, nhưng tôi lại ấn tượng đặc biệt với một chuyến đi mang lại cảm xúc khá buồn. Trong chuyến đi đấy, chúng tôi được tìm hiểu về tác động của đô thị hóa tới thiên nhiên, tới những cánh rừng. Tôi vẫn còn nhớ một ngày cuối mùa xuân, sự háo hức của chúng tôi khi đến với Vườn quốc gia Tam Đảo dần dần thay bằng những suy tư, những trăn trở khi được chứng kiến tác động lớn lao mà quá trình đô thị hóa và các hoạt động của con người đến môi trường thiên nhiên. Chúng tôi chứng kiến vẻ nguyên sơ cổ kính bị thay thế bởi những tòa nhà, bởi sự bê tông hóa; các công trình xây dựng đang lấn dần vào cảnh quan thiên nhiên; rác thải khắp nơi; nước thải từ hoạt động sản xuất và dịch vụ chảy thẳng xuống hệ thống sông suối. Cây xanh dường như đang co cụm lại.
Nguồn: Tổng cục du lịch
Trước đó, khi tôi và các bạn cùng tìm hiểu về thực trạng của rừng ở Việt Nam và trên thế giới, chúng tôi đã có được nhiều thông tin về rừng và vai trò của rừng. Các bạn có biết đến 10 sự thật này không: 1) Hoạt động của con người là nguyên nhân chủ yếu làm giảm diện tích rừng; 2) Tuy vậy, rừng đang khôi phục ở một số nước; 3) 1/8 diện tích rừng toàn cầu đang được quản lý vì mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học; 4) Nhiều khu rừng được bảo vệ là nhờ người dân bản địa; 5) Hoạt động giám sát rừng đã trở nên tốt hơn so với trước đây; 6) Rừng bao phủ khoảng 4 tỷ ha diện tích bề mặt trái đất; 7) Rừng là cái nôi của đa dạng sinh học; 8) Rừng chứa hàng trăm tỷ cây xanh: 9) Rừng lưu trữ một lượng lớn các bon và 10) Thế giới mất đi nhiều diện tích rừng mỗi năm (Trung Thảo, 2016). Cũng trong khi tìm hiểu, tôi cũng hiểu rõ thêm về vai trò của những khu rừng như rừng cung cấp không khí sạch, là ngôi nhà của rất nhiều động thực vật, cung cấp nhiều sản phẩm và sinh kế cho con người, rừng giúp giữ đất, làm sạch nước và là nhân tố quan trọng để làm giảm biến đổi khí hậu.
Thế nhưng, chúng ta cũng đang chứng kiến những hiện trạng phũ phàng ở Việt Nam: rừng nguyên sinh bị phá hủy nhường chỗ cho hoạt động sản xuất kinh tế, diện tích rừng có vẻ tăng nhưng phần tăng lại do những khu rừng trồng độc canh, trồng cây công nghiệp vì mục đích kinh tế. Theo TS Ngô Anh Đào, việc trồng rừng không hề đơn giản, để có một khu rừng ở “mức độ trưởng thành tự nhiên”, ta cần có từ 50-150 năm, để có một khu rừng đạt trạng thái “giàu có nhất”, ta cần tới 200-300 năm (tùy điều kiện khí hậu).
Tất cả những thông tin này đã được tôi và các bạn trình bày trong một sản phẩm trưng bày tại sự kiện Forest Festival do tổ chức Actions for Climate Change and Biodiversity tổ chức. Chúng tôi đã được giao lưu với các bạn học sinh của trường THCS Thăng Long – Hà Nội, thể hiện và trình bày với các bạn rừng và tầm quan trọng của rừng. Chúng tôi mong muốn ngày càng có nhiều bạn nhỏ hơn hiểu và yêu những khu rừng, góp phần bảo vệ những khu rừng đó. Tuy nhiên, nhận thức thôi cũng chưa đủ, chúng ta cần có những hoạt động cụ thể để thay đổi. Chúng tôi bắt đầu với suy nghĩ góp phần nhỏ bé vào việc trồng những cái cây. Dự án nhỏ “Một mẩu rừng cho bạn” đã hình thành từ đó.
Tôi và 2 người bạn nữa đã cùng nhau viết quyển sách “Một mẩu rừng cho bạn” từ chính những kiến thức chúng tôi có được qua việc tham gia Forest Festival. Với sự tài trợ của tổ chức Live and Learn và sự giúp đỡ của Trung tâm Truyền thông (Bộ Tài Nguyên Môi trường), quyển sách đã được in 2000 bản, toàn bộ tiền bán sách được gửi cho Quỹ trồng rừng phòng hộ tại Mèo Vạc Hà Giang của Bộ Tài nguyên Môi trường. Đến nay quyển sách đã tái bản lần thứ nhất với thêm 2000 quyển nữa. Mỗi quyển sách bán được chúng tôi đã đóng góp được 1 cây xanh cho huyện Mèo Vạc, một huyện biên giới phía Bắc Việt Nam. Chiến dịch bán sách của chúng tôi đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của một số trường học, như trường Marie Curie Hà Nội, không những mua sách ủng hộ, Nhà trường còn phát động Năm học trồng rừng, kêu gọi phụ huynh học sinh cùng quyên góp tiền để thực hiện trồng rừng. Với số tiền gần 500 triệu đồng quyên góp được, Nhà trường đã trồng 2 vạn cây sa mộc tại xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, sau này sẽ trở thành rừng phòng hộ. Tôi thật sự mong muốn có ngày được đến thăm khu rừng nhỏ đó.
Tiếp nối với hoạt động của “Một mẩu rừng cho bạn”, tôi lại ấp ủ những dự định bé nhỏ của mình. Tháng 6 năm 2021, trong một lần tình cờ tâm sự với một bạn học sinh người Việt hiện đang sống tại New Zealand, tôi có kể về trải nghiệm được ngắm cò mỏ thìa và khám phá hệ sinh thái rừng ngập mặn tại Vườn quốc gia Xuân Thủy. Một chuyến trải nghiệm đáng nhớ trong cuộc đời tôi, khi tôi được tham gia với các chuyên gia của tổ chức Viet Nature Conservation Centre. Tôi đã được ngắm nhìn qua ống nhòm rất nhiều loài chim, trong đó có những loài quý hiếm, cần được bảo tồn, được đi thuyền ra cửa biển, được nhìn ngắm những cánh rừng ngập mặn và sự sống phong phú của những cánh rừng đó. Cũng như những khu rừng khác, những khu rừng ngập mặn và hệ sinh thái rừng ngập mặn cũng đang phải chịu những tác động do ô nhiễm, do các hoạt động của con người. Tôi và bạn tôi có chung mong muốn làm thế nào để nhiều bạn nhỏ, nhiều người biết đến hệ sinh thái rừng ngập mặn và chung tay bảo vệ khu vực này. Chúng tôi lựa chọn chính Vườn quốc gia Xuân Thủy, nơi tôi từng có cơ hội đến, để thực hiện dự án. Vườn quốc gia Xuân Thủy là một trong hai vùng lõi có tầm quan trọng đặc biệt nằm trong Khu dự trữ sinh quyển đất ngập nước ven biển liên tỉnh đồng bằng châu thổ sông Hồng.
Có lẽ nhiều bạn sẽ hỏi tôi, việc thành lập và thực hiện dự án có khó không? Liệu chúng ta – mới chỉ là các bạn thanh thiếu niên, có thể lập và thực hiện dự án được hay không? Đúng là khi nghe đến từ “dự án” thì có vẻ là một cái gì đó rất to tát các bạn nhỉ? Nhưng không hề nhé, với tôi, đơn giản là việc tôi đặt ra một mục tiêu mà tôi nghĩ tôi có thể làm được và lập ra kế hoạch để thực hiện mục tiêu đó. Với dự án Mangrove Xuân Thủy, ban đầu chúng tôi đặt mục tiêu là tuyên truyền tới bạn bè xung quanh để kêu gọi quyên góp 200 cây xanh cho Vườn quốc gia Xuân Thủy. Chúng tôi đã quyên góp được 291 cây xanh. Từ đó, cùng với sự giúp đỡ và đồng hành của bố mẹ, chúng tôi đã mở rộng dự án với sự tham gia của nhiều bạn hơn. Mục tiêu của chúng tôi là một quyển sách kể về khu rừng này, về tác dụng và vai trò của hệ sinh thái rừng ngập mặn với chống biến đổi khí hậu và với đời sống người dân địa phương. Phần quan trọng của quyển sách chính là phần trình bày về 51 loài động thực vật tiêu biểu của Vườn quốc gia Xuân Thủy. Mặc dù gặp khá nhiều khó khăn do dịch bệnh, đến nay nhóm tác giả chúng tôi gồm 15 bạn nhỏ từ độ tuổi 8-17 tuổi đã hoàn thành xong quyển sách “Những người bạn trong khu rừng ngập mặn”, dự án đã xin được tài trợ để in 2000 quyển, một phần trong số đó sẽ được tặng lại Vườn quốc gia Xuân Thủy để vườn thực hiện giáo dục cộng đồng, phần còn lại sẽ được bán gây quỹ trồng rừng.
Khi được cầm quyển sách này trên tay, tôi vẫn cảm thấy ngỡ ngàng. Vì tôi cũng chưa từng nghĩ đến từ mục tiêu ban đầu là 200 cây xanh cho Vườn quốc gia Xuân Thủy, với sự góp sức của nhiều bạn khác, và sự đồng hành của các bố mẹ, cùng sự đỡ đầu của nhóm Parent Led Climate Việt Nam, chúng tôi đã có được một sản phẩm như thế này. Sẽ có thật nhiều điều thú vị trong quyển sách chờ đón các bạn đó nhé!
Điều cuối cùng tôi muốn chia sẻ với các bạn cũng đang có ước mơ thực hiện các hoạt động xã hội như tôi: Hãy tự tin và mạnh dạn truyền tải tiếng nói và các thông điệp tốt đẹp của bạn. Hãy bước những bước chân đầu tiên, các bạn sẽ luôn đến được đích cần đến. Các bạn sẽ gặp được nhiều người đồng hành và nhiều người giúp đỡ trên con đường đó.
Một ngày nào đó, tôi mong chúng ta sẽ gặp nhau ở những khu rừng!
———————
Tài liệu tham khảo:
- Trung Thảo (2016), “Ngày quốc tế về rừng, sự thật thú vị về rừng”, Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 3/2016
- Ngô Anh Đào (2019), “Hiểu một bộ rễ mới trồng được một khu rừng”, Bài đăng trên Báo Tuổi trẻ Online
Recent Comments