Đổi mới sáng tạo trong ngành năng lượng sạch tại Việt Nam
Sáng tạo & khởi nghiệp: Một xu thế chung
Từ đầu những năm 2010, quá trình toàn cầu hoá của Việt Nam được thúc đẩy mạnh mẽ và rõ nét với những chính sách thúc đẩy và phát triển các xu thế mới cho kinh tế xã hội. Tiêu biểu nhất là sự xuất hiện của những khái niệm về “khởi nghiệp” và “đổi mới sáng tạo” trong các ngành công nghệ, tài chính, giáo dục, nông nghiệp và du lịch. Song song với xu thế này là sự quan tâm ngày càng nhiều của các cơ quan và cá nhân đến biến đổi khí hậu, xuất phát từ những vấn đề về ô nhiễm môi trường, rác thải và các hoạt động được đánh giá là thiếu bền vững cho sự phát triển của xã hội. Ra đời cùng với sự thay đổi về nhận thức bảo vệ môi trường chính là các dự án năng lượng tái tạo từ giữa những năm 2010. Cả hai dòng chảy thay đổi này hiện tại đang có sự rõ nét đáng kể hơn bao giờ hết.
Việt Nam đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ về đầu tư năng lượng sạch cả về số lượng dự án, sản lượng điện sản xuất và nhận thức chung của cộng đồng. Vào năm 2019, năng lượng tái tạo (NLTT) đã trở thành chủ đề chính trong các diễn đàn đầu tư, khi số liệu dòng tiền từ các quỹ tư nhân đầu tư vào ngành này vượt cao hơn các lĩnh vực phổ biến như thương mại điện tử, dược phẩm, chỉ xếp sau công nghệ tài chính và giáo dục. Năm 2020, thị trường đầu tư năng lượng tái tạo Việt Nam bùng nổ với con số 7.4 tỉ USD, cao hơn Pháp và Đức, lọt vào top 10 các quốc gia sử dụng năng lượng sạch nhiều nhất thế giới với công suất tích luỹ hơn 16.6 GW.
Hệ sinh thái khởi nghiệp: Tiềm năng chưa khai thác
Với những điều kiện thuận lợi về tự nhiên và khí hậu, nhu cầu năng lượng cao, tiềm năng tăng trưởng của các loại hình năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió, điện sóng vv…ở Việt Nam là rất lớn.
Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu chống biến đổi khí hậu, cải tạo môi trường sống và hướng đến phát triển bền vững, thị trường còn cần rất nhiều giải pháp sáng tạo và sự quan tâm xứng đáng từ phía chính phủ cũng như các nhân tố trong hệ sinh thái khởi nghiệp—bao gồm các nhà khởi nghiệp trẻ.
Theo khảo sát của New Energy Nexus Vietnam gần đây, chỉ có khoảng 8 đơn vị hiện đang hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp trong mảng Năng lượng sạch. Dường như, sự chú ý và nguồn vốn tập trung vẫn đang được ưu ái cho các cánh đồng năng lượng mặt trời, dự án năng lượng gió với mức công suất đầu ra cao và bỏ qua các dự án khởi nghiệp quy mô nhỏ.
Về mặt phát triển và thi công áp dụng trong các dự án năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng, thị trường Việt Nam đang rất cần một nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật, chuyên môn cao cộng với tinh thần đổi mới sáng tạo để giải quyết các thách thức còn tồn tại về mặt công nghệ bằng những giải pháp mang tính đột phá. Trong quá trình vận hành các dự án hỗ trợ Khởi nghiệp năng lượng sạch, New Energy Nexus Vietnam (NEX VN) đã có cơ hội tiếp cận và hỗ trợ một lượng lớn sinh viên có quan tâm đến năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng hiệu quả từ các trường Đại học trên toàn quốc, cũng như các nhóm dự án khởi nghiệp trong ngành. NEX VN nhận thấy tiềm năng về năng lực, trình độ và tư duy đổi mới sáng tạo của các nhóm này rất đáng được chú ý.
Tuy nhiên, các hoạt động phối hợp giữa các bên liên quan nhằm hỗ trợ các nhóm đối tượng trẻ nâng cao năng lực và tiếp cận các cơ hội phát triển dự án còn rất hạn hẹp.
Ngoài các khó khăn trên, mức độ tiếp cận tài chính tới các quỹ đầu tư của nhiều dự án còn gặp khó khăn. Các doanh nghiệp với dự án cần rót vốn thì chưa tìm được nhà đầu tư phù hợp, ngược lại, nhiều dự án đề xuất khó đạt được những yếu tố về yêu cầu của quỹ đầu tư. Điều này dẫn đến một khoảng trống trong thị trường và xuất hiện nhu cầu được hỗ trợ từ phía startups đến các vườn ươm và dự án tăng tốc trong hệ sinh thái.
Tăng tốc khởi nghiệp: Mô hình thúc đẩy hệ sinh thái
Mô hình tăng tốc (accelerators) là một trong các yếu tố quan trọng phục vụ mục tiêu thúc đẩy hệ sinh thái. Khác với mô hình vườn ươm – tập trung vào giai đoạn đầu tiên của startups, chương trình tăng tốc hỗ trợ các công ty khởi nghiệp tại giai đoạn tăng trưởng bằng các chương trình đào tạo nâng cao năng lực, tìm kiếm và kết nối doanh nghiệp với các quỹ đầu tư, hỗ trợ mở rộng và phát triển thị trường. Mô hình này có đặc điểm tập trung chuyên sâu cho việc đào tạo các nhà sáng lập, khiến cho việc tiếp thu kiến thức được rút ngắn đi nhiều lần, đồng thời cũng đóng vai trò như chất xúc tác giúp các đơn vị khởi nghiệp tiếp cận nhiều hơn tới những chương trình đầu tư, dự án hợp tác với “ông lớn” trong ngành.
Cụ thể hơn, một số chương trình hỗ trợ mà New Energy Nexus Việt Nam đã và đang triển khai như “Building Energy Challenge 2020” – thúc đẩy sự quan tâm và áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng hiệu quả cho các toà nhà xanh – toà nhà thông minh tại Việt Nam. Hay chương trình “Tăng tốc 2020” đã đồng hành cùng 5 startups tiêu biểu ở các lĩnh vực xe điện, thiết kế công trình, quản lý sử dụng điện và công nghệ kết nối vạn vật. Các chương trình đều nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của nhiều chuyên gia đầu ngành, các dự án khởi nghiệp và các quỹ đầu tư trong việc phát triển và kết nối những thành tố quan trọng của hệ sinh thái khởi nghiệp về năng lượng sạch.
Hệ sinh thái và thị trường với một tiềm năng phát triển lớn như NLTT cần nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm và hỗ trợ đến từ tất cả các thành tố, đặc biệt là với những ý tưởng và giải pháp mang tính đột phá, sáng tạo. Các chính sách tư vấn về đầu tư, hành lang pháp lý rõ ràng, sự quan tâm của các cơ quan ban ngành là cực kỳ quan trọng nhằm tạo tiền đề cho sự kết hợp giữa doanh nghiệp, các tổ chức hỗ trợ và các chương trình đầu tư tài chính để đưa thị trường năng lượng sạch Việt Nam phát triển lên một tầm cao mới, phát huy được thế mạnh và tiềm năng vốn có của mình.