Giải quyết Vấn đề Biến đổi Khí hậu trong ngành Giao thông Vận tải – Tập 2: Lộ trình Hướng tới Giao thông Vận tải có Khả năng Chống chịu
Mạng lưới giao thông của Việt Nam dù đã được mở rộng với tốc độ đáng kinh ngạc trong hai thập kỷ qua nhưng ngày càng phải đối mặt nhiều hơn với nguy cơ thiên tai. Ngày nay, mạng lưới đường bộ của Việt Nam kéo dài tới hơn 400.000 km, phần lớn không được xây dựng để ứng phó các kịch bản thiên tai cực đoan, dự kiến sẽ trở nên thường xuyên hơn do biến đổi khí hậu. Nếu không đầu tư cải thiện khả năng chống chịu của mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông hiện có, những thành tựu của Việt Nam trong việc tạo ra kết nối tới toàn bộ các cộng đồng nông thôn có thể bị phá hủy hỏng. Bên cạnh đó, khả năng chống chịu của hạ tầng kết nối cũng có ý nghĩa quan trọng đối với việc đảm bảo thành công trong dài hạn của nền kinh tế, vốn phụ thuộc nhiều vào thương mại bên ngoài và ngày càng phụ thuộc vào các kết nối liền mạch giữa nông thôn và thành thị.
Báo cáo phân tích “Giải quyết Vấn đề Biến đổi Khí hậu trong ngành Giao thông Vận tải Việt Nam” do Ngân hàng Thế giới và một số đối tác thực hiện với sự hỗ trợ của Bộ Giao thông Vận tải nhằm mục đích đưa ra tầm nhìn và chiến lược cho giao thông thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, nhằm giảm thiểu lượng khí thải các-bon của ngành đồng thời đảm bảo khả năng chống chịu trước những rủi ro trong tương lai. Kết quả phân tích và khuyến nghị được trình bày trong hai tập của báo cáo: Tập 1, “Lộ trình Hướng tới Vận tải Phát thải Các-bon Thấp” và Tập 2, “Giải quyết Vấn đề Biến đổi Khí hậu trong ngành Giao thông Vận tải.” Tập thứ hai đưa ra khung phương pháp nhằm phân tích mức độ quan trọng và tính dễ bị tổn thương của mạng lưới cũng như các ưu tiên đầu tư để tăng cường khả năng chống chịu.