Ánh sáng đến từ những chai nhựa bị lãng quên 

Với 1 chai nhựa, chúng ta có thể làm những gì?

Sau khi được sử dụng, những chai nhựa đựng nước thường sẽ dần trở nên vô tác dụng. Có người đem chúng đi bán cho những người thu mua phế liệu, có người lại tái sử dụng bằng việc đựng chất lỏng khác, và cũng không quá xa lạ khi bạn thấy những chai nhựa đó được cắt đôi để trồng cây. Nhưng các bạn có biết được rằng, cũng chính những chai nhựa đó lại có thể trở thành bóng đèn, mang ánh sáng đến cuộc sống của người dân. 

 

Những vùng đất thiếu ánh sáng 

 

Nếu một ngày không có điện, cuộc sống của chúng mình sẽ ra sao? Trong thế giới công nghệ hiện đại như ngày nay, đó hẳn là một viễn cảnh đáng sợ không ai muốn nghĩ đến. Bên cạnh những ứng dụng thường thấy của điện cho các thiết bị như điều hòa để làm mát, bếp để nấu ăn hay internet để sử dụng mạng thì một ứng dụng không thể thiếu của điện với đời sống con người là thắp sáng bóng đèn. 

 

Thế nhưng, tại rất nhiều nơi trên thế giới, người dân lại đang không được đảm bảo những nhu cầu thiết yếu cơ bản đó của con người. Theo thống kê vào năm 2019, hơn 760 triệu người trên thế giới đang sống trong điều kiện không có điện, tập trung chủ yếu ở Châu Phi và Châu Á. [1] 

Nguồn: Tracking SDG 7

 

Tại những quốc gia kém phát triển hay ở những vùng quê, vùng sâu vùng xa, khả năng tiếp cận điện của người dân là vô cùng hạn chế, họ phải sống trong bóng tối mịt mờ cả ngày lẫn đêm. Đặc biệt, với giá thành điện ở mức cao nhất châu Á, hơn 20 triệu  người sống dưới mức nghèo khổ tại Phi-líp-pin đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận với các nguồn điện và liên tục chịu cảnh mất điện doảnh hưởng của thiên tai. 

 

Đom đóm tự chế

 

Mỗi giây, thế giới lại ghi nhận có hơn 20.000 chai nhựa được sử dụng, ước tính mỗi phút con số này sẽ là 1,2 triệu chai nhựa [2]. Số lượng khủng khiếp chai nhựa thải ra môi trường mỗi ngày khiến cho vấn nạn rác thải nhựa càng tăng cao. Đứng trước thực trạng đó và thấu hiểu ảnh hưởng của việc thiếu nguồn điện thắp sáng, một sáng kiến chế tạo bóng đèn từ những vật liệu tái tạo đã được thực hiện tại Philippines.

 

Bóng đèn được tạo bằng những nguyên liệu rất đơn giản, dễ kiếm ở khắp mọi nơi bao gồm một chai nhựa bên trong chứa nước, một chút chất tẩy sáng được đặt qua tấm mái thép mạ kẽm dưới ánh sáng mặt trời. Hoạt động của bóng đèn dựa trên nguyên lý khúc xạ ánh sáng. Khúc xạ là thuật ngữ được sử dụng để chỉ hiện tượng ánh sáng đổi hướng khi đi qua mặt phân cách giữa hai môi trường trong suốt có chiết suất khác nhau. 

Khi lắp đặt, trên mái nhà sẽ được đục một lỗ, đặt cố định chai nước vào khít vị trí đó theo tư thế nửa nằm phía bên trong nhà, nửa nằm trên mái nhà. Ánh sáng qua nước sẽ khúc xạ tỏa rộng nhiều phía, thắp sáng không gian trong nhà tương đương với bóng đèn 50 watt.

Tuy nhiên nếu chỉ có vậy bóng đèn chỉ có thể sử dụng vào ban ngày khi có mặt trời chiếu sáng. Để khắc phục được nhược điểm này, bóng đèn được lắp thêm một ống nghiệm chứa bóng đèn LED được nối với một miếng bản năng lượng mặt trời nhỏ. Từ đó, những chai nhựa này vẫn có thể khúc xạ ánh sáng vào ban ngày và trở thành một chiếc đèn năng lượng mặt trời khi đêm xuống. 

MyShelter Foundation, tổ chức phát triển sáng kiến bóng đèn đã bắt đầu thực hiện dự án từ năm 2011 và cho đến nay đã hỗ trợ được cho hơn 300.000 hộ gia đình với hơn 350.000 chai nhựa được lắp đặt tại trên 15 quốc gia giúp đỡ các gia đình khó khăn, không có điều kiện tiếp cận nguồn điện. Bên cạnh đó, tổ dự án cũng hỗ trợ những người dân khó khăn bằng cách hướng dẫn chế tạo bóng đèn bằng chai nhựa thay vì xây dựng nhà máy sản xuất hàng loạt, nhờ đó người dân có thể tự lắp đặt đèn hoặc bán những sản phẩm tự chế tạo. 

 

Hiệu quả tiết kiệm năng lượng 

 

Với chi phí ít ỏi và nguyên liệu dễ tìm kiếm, hiệu quả của những bóng đèn này không chỉ dừng lại ở việc cung cấp điện cho các khu vực khó khăn mà còn thân thiện với môi trường. Đây là giải pháp không phát thải carbon thay thế cho việc sử dụng ánh sáng bằng điện hay dầu hỏa/khí đốt. 

 

Những chai nhựa phát sáng này có thời gian sử dụng lên đến 5 năm và những bóng đèn LED có tuổi thọ cao hơn và hiệu quả năng lượng cao hơn so với đèn sợi đốt hay đèn huỳnh quang. Theo ước tính của WWF Philipines, để sản xuất một bóng đèn sợi đốt thông thường sẽ thải ra 0,45 kg CO2 và việc tiệu thụ một bóng đèn sợi đốt 50 watt sẽ giải phóng gần 200kg CO2 một năm. Việc sử dụng bóng đèn từ những chai nhựa này sẽ tiết kiệm hơn 200 kg phát thải carbon đó mỗi năm và tương tự mỗi bóng đèn ban đêm cũng giúp tiết kiệm 350 kg CO2 [3], đồng thời giảm áp lực hệ thống lưới điện của địa phương.  

Bóng đèn chiếu sáng trong các gia đình tại Philippines 

 

Ngoài ra, việc tái sử dụng lại những chai nhựa như thế này đã góp phần không nhỏ đến việc giảm thiểu rác thải nhựa trên toàn thế giới, khi mà những chai nhựa này phải tốn đến 450 năm để có thể phân hủy hoàn toàn. [4] 

 

Nhờ sự sáng tạo và tính ứng dụng cao của những bóng đèn chai nhựa, công nghệ của Một lít ánh sáng đã được Liên hợp quốc công nhận và được ứng dụng trong một số trại UNHCR. Ngoài ra dự án cũng nhận được các giải thưởng môi trường danh giá, đặc biệt là giải thưởng Môi trường sống Thế giới (World Habitat) năm 2014. 

 

“Đánh cắp mặt trời” tại Việt Nam 

 

Truyền cảm hứng từ thành công của Philippines, sau khi được chuyển giao ý tưởng, chương trình “Một lít ánh sáng” đã được Đoàn Thanh niên Đài Truyền hình Việt Nam triển khai tại Việt Nam với tên gọi “Ánh sáng xanh cho cộng đồng Việt Nam”. Địa điểm đầu tiên được chương trình áp dụng là huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang với sự ủng hộ lớn từ người dân nơi đây. Những bóng đèn đơn giản với những vật liệu chỉ tốn đến 10.000 đồng đã giúp người dân cải thiện nơi sinh sống thêm tươi sáng với một khoản chi tiêu tiết kiệm. 

Bên cạnh đó, hoạt động của Một lít ánh sáng cũng được 350.org Việt Nam đưa về triển khai tại Việt Nam với tên gọi Chai Mặt trời nhằm đem lại ánh sáng cho các gia đình có thu nhập thấp. Những bạn trẻ của 350.org Việt Nam đã đưa đi tới những khu vực khó khăn tại Sài Gòn, hướng dẫn và thuyết phục những người dân ở đây đưa “một lít ánh sáng” vào nhà. 

 Các tình nguyện viên làm “Chai mặt trời” để lắp đặt lên mái tôn của hộ dân khó khăn tại TP. Hồ Chí Minh – Ảnh: Trung Uyên 

Nguồn: CHANGE

 

Phóng sự về hoạt động của Chai Mặt trời tại Việt Nam

 

Sáng tạo và đơn giản, là những ưu điểm dễ thấy của bóng đèn chai nhựa. Sáng kiến đã giúp cho người dân tại những khu vực khó khăn có thể tiếp cận với ánh sáng, phục vụ đời sống khi chưa có nguồn điện, giảm tải gánh nặng quốc gia trong việc phổ cập điện toàn dân. Bên cạnh đó, việc tái chế những chai nhựa đã góp phần nhỏ giải quyết vấn đề rác thải nhựa, nâng cao ý thức của người dân về việc tái chế và tái sử dụng nhựa và các vật dụng khác. 

 

Tuy nhiên, xét về lâu dài thì Một lít ánh sáng chưa phải là giải pháp bền vững. Ánh sáng từ những bóng đèn chai nhựa chưa đủ để phục vụ đời sống của người dân và cũng không thể thay thế nguồn điện. Những bóng đèn tái chế chỉ có thể sử dụng trong những ngày trời sáng và có nắng tốt còn trong điều kiện thời tiết ít sáng và mưa, bão thì lại không hiệu quả và an toàn. Do đó, đảm bảo hệ thống điện toàn dân vẫn phải là giải pháp hàng đầu của các quốc gia trong việc phổ cập điện đến với người dân. Hệ thống điện không chỉ mang lại ánh sáng mà còn phục vụ những nhu cầu thiết yếu của người dân hàng ngày đảm bảo phát triển đời sống.

Minh Thảo – UNDP Việt Nam