Chỉ số lãng phí lương thực, Báo cáo 2021
Báo cáo này làm rõ mức độ phổ biến của việc lãng phí lương thực, thực phẩm ở cấp hộ gia đình trên tất cả các châu lục, bất kể mức thu nhập của quốc gia. Việc vứt bỏ 17% thực phẩm ở các kênh bán lẻ, dịch vụ ăn uống và người tiêu dùng khiến tác động của hệ thống lương thực, thực phẩm đối với khí hậu, thiên nhiên và ô nhiễm môi trường được tạo ra một cách không cần thiết. Hiện nay, ước tính khoảng 8-10% lượng khí nhà kính toàn cầu liên quan đến thực phẩm không được tiêu thụ (Mbow et al., 2019, trang 200) – và không có Đóng góp do quốc gia tự quyết định nào trong khuôn khổ của Thỏa thuận Paris đề cập đến lãng phí lương thực, thực phẩm (và chỉ có 11 đề cập đến hao hụt lương thực, thực phẩm) (Schulte và cộng sự, 2020).
Khi các tác động môi trường tích tụ trong vòng đời của các sản phẩm thực phẩm, chất thải thực phẩm ở cấp độ người tiêu dùng là gánh nặng cao nhất đối với môi trường. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) ước tính có 690 triệu người chịu đói vào năm 2019, một con số dự kiến sẽ tăng mạnh trong và sau COVID-19. Với con số đáng kinh ngạc là 3 tỷ người không thể có một chế độ ăn uống lành mạnh (FAO, 2020), thông điệp của báo cáo này rất rõ ràng: người dân cần được giúp đỡ để giảm lãng phí lương thực, thực phẩm tại nhà.
Quy mô của vấn đề lãng phí lương thực, thực phẩm vẫn chưa được hiểu đầy đủ. Hầu hết các quốc gia không có dữ liệu rõ ràng, nhất quán về chất thải thực phẩm. Bao nhiêu thức ăn bị lãng phí hoặc mất đi? Những lĩnh vực nào (các bộ phận nào của chuỗi cung ứng) tạo ra nhiều chất thải nhất? Những loại thực phẩm nào có tác động lớn nhất? Nếu không có thông tin này, các chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức khác phải vật lộn trong việc đưa ra lộ trình hành động và các biện pháp cần ưu tiên. Để theo dõi tiến trình hướng tới Mục tiêu phát triển bền vững về thất thoát và lãng phí lương thực (SDG 12.3), cần có dữ liệu tốt hơn. May mắn thay, tình hình này có thể thay đổi, và báo cáo này đưa ra một số khuyến nghị để đẩy nhanh sự thay đổi đó.