Chi trả dịch vụ môi trường rừng tại Việt Nam: Từ chính sách đến thực tiễn

Nguyên tắc cơ bản của Chi trả dịch vụ môi trường rừng (PES) là đảm bảo lợi ích cho người cung cấp dịch vụ môi trường, ở cả cấp độ cá nhân và cộng đồng, thông qua việc nhận được bồi hoàn cho chi phí của việc cung cấp những dịch vụ này. Từ năm 2004, Chính phủ Việt Nam đã thiết lập cơ sở pháp lý nhằm thực hiện chương trình quốc gia về chi trả dịch vụ môi trường rừng (PFES) thông qua Luật Bảo vệ và Phát triển rừng sửa đổi (2004). Năm 2008, Quyết định số 380/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã cho phép thí điểm Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tại tỉnh Sơn La và Lâm Đồng. Năm 2010, Nghị định số 99/2010/NĐ-CP đã được ban hành nhằm triển khai Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên phạm vi toàn quốc từ 1/1/2011. Có thể nói, Việt Nam đã trở thành quốc gia đầu tiên tại châu Á ban hành và triển khai chính sách PFES ở cấp quốc gia.

Mục tiêu của PFES tại Việt Nam là: bảo vệ diện tích rừng hiện có, nâng cao chất lượng rừng, gia tang đóng góp của ngành lâm nghiệp vào nền kinh tế quốc dân, giảm nhẹ gánh nặng lên ngân sách Nhà nước cho việc đầu tư vào bảo vệ và phát triển rừng và đảm bảo an sinh xã hội của người làm nghề rừng. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có một đánh giá và nghiên cứu toàn diện về thực trạng triển khai PFES ở Việt Nam.

Nghiên cứu này cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách những đánh giá và phân tích cụ thể về tính hiệu quả, hiệu ích và công bằng của PFES trong quá trình triển khai từ năm 2008 đến nay. Chúng tôi tập trung nghiên cứu trên ba khía cạnh của PFES, gồm: (1) xây dựng các cơ sở pháp lý (các quy định pháp lý và cơ cấu tổ chức thực hiện), (2) cơ chế chia sẻ lợi ích (phân bổ tiền chi trả và sự tham gia của các bên), và (3) giám sát và đánh giá (giám sát các dịch vụ môi trường, hợp đồng, dòng tiền và tác động xã hội từ PFES).

Tổ chức Nghiên cứu Lâm nghiệp Quốc tế (CIFOR)

Tải xuống chi tiết