Khoa học khí hậu khó, đã có Youth4Climate lo
Biến đổi khí hậu thật sự có tồn tại?
Có phải biến đổi khí hậu nghĩa là khí hậu sẽ thay đổi sang một dạng khác?
Khí hậu và thời tiết có phải là một hay khí hậu lớn hơn thời tiết?
Trái đất sẽ nổ tung nếu biến đổi khí hậu tiếp tục diễn ra với khí nhà kính tăng cao?
Đã bao giờ bạn đưa ra những thắc mắc như vậy khi tìm hiểu về biến đổi khí hậu hay chưa?
Nếu có thì e rằng, chúng mình đang có chút nhầm lẫn về biến đổi khí hậu 😅
Là một lĩnh vực khá “đau đầu” và “trừu tượng”, biến đổi khí hậu đang xảy ra và có những ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống cả nhân loại. Tuy nhiên, những khái niệm cơ bản về khí hậu và biến đổi khí hậu đôi khi vẫn đang bị hiểu sai bởi những nguồn thông tin tiếp cận chưa chính xác.
Để hiểu rõ hơn về thực trạng biến đổi khí hậu và lý giải những câu hỏi trên, cùng chúng mình lắng nghe những phân tích từ các chuyên gia biến đổi khí hậu mà Youth4Climate đã có cơ hội trao đổi.
Những khái niệm cơ bản
Trước khi “nhập môn” khí hậu, hãy cùng nhìn lại với chúng mình một số kiến thức cơ bản mà chúng ta cần phải lưu ý về khoa học khí hậu nhé. Có lẽ, bạn cũng đã từng lướt qua những điều này trong các giờ học địa lý đó.
Khí hậu được hiểu là mức độ trung bình của thời tiết trong một không gian nhất định và khoảng thời gian dài (thường là 30 năm). Khí hậu thường có tính ổn định tương đối.
Thời tiết, điều mà chúng ta vẫn theo dõi và quan tâm hàng ngày trong cuộc sống có định nghĩa đầy đủ là trạng thái khi quyển tại một thời điểm nhất định được xác định bằng tổ hợp các yếu tố: nhiệt độ, áp suất, độ ẩm, tốc độ gió, mưa…
Nóng lên toàn cầu chỉ sự tăng dần nhiệt độ trái đất do các khí nhà kính tích tụ trong khí quyển. Các khí nhà kính này làm giảm lượng bức xạ của trái đất thoát ra vũ trụ, từ đó làm nóng tầng bên dưới khí quyển và bề mặt trái đất.
Sự thật về biến đổi khí hậu
Nếu theo dõi báo đài và truyền hình thường xuyên, cụm từ “biến đổi khí hậu” đã không còn quá xa lạ”. Nhưng chúng ta hiểu những gì về biến đổi khí hậu và những điều chúng ta nghe về Biến đổi khí hậu có thật sự tồn tại?
Biến đổi khí hậu là thuật ngữ được dùng để chỉ sự thay đổi của khí hậu (định nghĩa của Công ước khí hậu) được quy trực tiếp hay gián tiếp là do hoạt động của con người làm thay đổi thành phần của khí quyển toàn cầu và đóng góp thêm vào sự biến động khí hậu tự nhiên trong các thời gian có thể so sánh được. Biến đổi khí hậu xác định sự khác biệt giữa các giá trị trung bình dài hạn của một tham số hay thống kê khí hậu. Trong đó, trung bình được thực hiện trong một khoảng thời gian xác định, thường là vài thập kỷ. [1]
Hãy thử nhìn lại chút nhé, trong ít nhất mười năm trở lại đây, bạn có thấy thời tiết nóng nhiều hơn, nhiệt độ qua các năm có sự biến động và cả những trận mưa bão thất thường. Trong thế kỷ 20, các nhà khoa học đã đo được xu thế gia tăng của nhiệt độ trên khắp các châu lục và đại dương và nhiệt độ trung bình từ năm 2001 – 2005 cao hơn 0,440C so với chuẩn trung bình toàn cầu. Đất liền đã trở nên ấm hơn bề mặt biển và nhiệt độ ở hai Cực đã tăng lên ít nhất là gấp hai lần so với mức tăng trung bình của thế giới [2] .
Theo IPCC hoạt động của con người ước tính đóng góp làm tăng xấp xỉ 1.0 độ C vào sự nóng lên toàn cầu so với thời kì tiền công nghiệp, với ngưỡng trong khoảng 0.8-1.2 độ C; Nóng lên toàn cầu có xu hướng tăng tới 1.5 độ C vào giai đoạn 2030-2052 nếu nó tiếp tục giữ nguyên xu thế ở tỉ lệ hiện nay.
Nguồn: Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC)
Những biểu hiện của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét và diễn ra ở khắp mọi nơi. Greenland đã mất 3,8 triệu tấn băng kể từ năm 1992 và tỷ lệ thất thoát băng đã tăng từ 33 tỷ tấn/năm trong thập niên 1990 lên tới 254 tỷ tấn/năm trong thập kỷ qua [3] . Theo dữ liệu của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC), băng đang tan ở đảo Greenland nhanh hơn 7 lần so với những năm 1990. Ngoài ra, biến đổi khí hậu cũng đã gây nên hàng loạt trận mưa lũ và bão cấp độ lớn bất thường diễn ra mỗi năm, điển hình như sự tăng 10% các trận mưa cực lớn khiến mùa bão ở Bắc Đại Tây Dương năm 2020 vô cùng khắc nghiệt [4]. Sự đa dạng sinh học bị dần mất đi do môi trường sống bị ảnh hưởng bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Thanh niên và biến đổi khí hậu
Nhận thức của thanh niên về sự thay đổi khí hậu là vô cùng quan trọng bởi chúng ta chính là tương lai của thế giới và là người trực tiếp chịu ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Chiếm đến 57% tổng số dân Việt Nam (2019), thanh niên Việt Nam chính là lực lượng nòng cốt để thúc đẩy những thay đổi tích cực trong xã hội [5]. Sự sáng tạo, nhiệt huyết hành động của thanh niên sẽ đóng góp những sáng kiến và nhân lực để phát triển và thực hiện ứng phó biến đổi khí hậu.
UNICEF kêu gọi nâng cao giáo dục khí hậu cho thanh niên
Báo cáo đặc biệt của chương trình Phát triển Liên hợp quốc về “Thanh niên Hành động vì Môi trường ở Việt Nam” cho thấy đã có gần 400 thanh niên Việt Nam nêu cao sự ủng hộ ứng phó với biến đổi khí hậu, thể hiện mong muốn tham gia hành động về biến đổi khí hậu và đóng góp tiếng nói vào xây dựng các chính sách khí hậu của nước ta.
Thanh niên Việt Nam tham gia trại viết Báo cáo “Thanh niên Hành động vì Môi trường ở Việt Nam”. Ảnh: UNDP Việt Nam
Nhằm tăng cường tiếng nói và hành động vì biến đổi khí hậu, mỗi thanh niên cần có một nhận thức đầy đủ và chắc chắn để đưa ra phương hướng thực hiện thích hợp cũng như lan tỏa tầm quan trọng của biến đổi khí hậu đến cộng đồng.
Với mục tiêu hỗ trợ thanh niên Việt Nam tiếp cận đến các tài liệu chính thống về biến đổi khí hậu và môi trường một cách gần gũi và “trẻ trung” nhất, Youth4Climate đã xây dựng một loạt bộ module kiến thức về các chủ đề liên quan đến biến đổi khí hậu đang được các bạn trẻ đặc biệt quan tâm. Các module được thể hiện qua chính sự hiểu biết của thanh niên với những minh họa cực teen sẽ khiến bạn thấy biến đổi khí hậu thật dễ dàng.
Click vào ĐÂY để khám phá kho tàng kiến thức của chúng mình ngay thui!!!
Minh Thảo – UNDP Viet Nam
—————–
[1] Các khái niệm, định nghĩa liên quan đến BĐKH
[2] Nguyên nhân và ảnh hưởng của BĐKH
[3] Mass balance of the Greenland Ice Sheet from 1992 to 2018
[4] Attribution of 2020 hurricane season extreme rainfall to human-induced climate change