A slab of wood in the waterfalls and a drive in the wilderness

Tấm ván gỗ giữa thác 

Không biết đây là lần thứ bao nhiêu tôi đã phải bóp cái côn xe trong vòng 3 tiếng vừa rồi, nhưng tới thời điểm này, tay tôi đã rời rạc. Cặp đùi tôi ê ẩm khi phải giơ ngang chân 2 bên để giữ thăng bằng trên con đường đất sỏi đá, gập ghềnh. Một cái nóng hầm hập và hừng hực toát ra từ Yammie, biệt danh tôi gọi cho chiếc xe máy đã từng đồng hành qua hơn 1 vạn km đường trường. Nó đã phải chịu đựng quá nhiều khi phải chạy số 1 trong vòng  ba tiếng liền

Chúng ta… có nên bỏ cuộc không? Tôi quay ra hỏi Ruben, ông bạn đồng hành trên chặng đường với tôi. 

Không, đã đi quá xa rồi … 12km vừa rồi không có gì ngoài đất, đá, chút máu lấm tấm do những lần ngã xe, và nỗi sợ là chúng tôi sẽ không thể nào vượt qua được cung đường này.

 

Nhưng rồi, với một sự cố gắng phi thường nào đó, chúng tôi cũng đến nơi vào giờ thứ 5 của cung đường vỏn vẹn 12km này. Để đến đâu? Các bạn có thể hỏi. Và tôi xin trả lời, để đến với thiên nhiên—hoặc thứ mà chúng tôi gọi là thiên nhiên. Để cảm nhận một chút gì đó hoang dã, không vấy bẩn bởi con người và cái xô bồ của Hà Nội.

Tới được chân thác, chúng tôi dựng lều trại. Nhưng một nỗi sợ mới ập đến. Củi. Với 30 phút còn lại trước khi tắt nắng, củi là sự sinh tồn. Nhưng dưới một chân thác, bạn không thể kiếm được củi khô. 

Vào thời điểm đó, bạn đi vào chế độ bản năng. Lùng sục các bụi cây và tảng đá. Và bằng một sự kỳ diệu nào đó, chúng tôi tìm được một loạt các ván gỗ thông ướt dạt vào bên bờ của dòng suối. Nếu các bạn không biết, thì ván gỗ thông dù có ướt, vẫn có thể cháy. Ruben và tôi nhìn nhau như bắt được vàng. 

Nhưng ơ kìa, chẳng phải chúng tôi đang ở trong một khu rừng không một bóng người trong bán kính 25 km? Tại sao ở đây lại có được những ván gỗ được cắt thật gọn gàng và ngay ngắn như vậy? Tôi thở dài nhìn ván gỗ bắt cháy, dần xua đi cái lạnh buốt của màn đêm. Chỉ có một câu trả lời ở đây – khu vực này có hoạt động khai thác gỗ trái phép. Ý nghĩ đó vừa thoáng qua, tôi thấy một ánh đèn pin từ đâu chiếu rọi về phía chúng tôi. 

“Ai đấy?!” tôi la to, tay nắm chặt con dao bên người. 

Một người đàn ông to cao dần xuất hiện dưới ánh trăng với một khẩu súng tự chế dài 2 mét. Bộ mặt ông ta lạnh toát. 

“Mày có im không? Tau đang đi săn cầy đêm. Mày la chạy hết mồi rồi!”

Các bạn thấy đó, dù có trốn đi xa tới mức nào trên mảnh đất này, bạn vẫn sẽ luôn thấy dấu vết của con người. Để muốn tìm một nơi đi trốn tại Việt Nam, nơi không có một sự đụng chạm và khai thác, gần như là không thể.

 

Từ “Rừng vàng biển bạc” 

Tại Hội nghị nghiên cứu lịch sử Đảng của Ban Tuyên giáo trung ương, ngày 28/11/1959 – Bác Hồ đã phát ngôn: “Nước ta có rừng vàng biển bạc, nhân dân ta cần cù”. Ý nghĩa của thành ngữ của Người muốn nhấn mạnh và bảo vệ gìn giữ tài nguyên thiên nhiên quý giá của nước nhà. 

Đáng tiếc thay, ngược lại với sự kêu gọi của Bác, thực trạng rừng ở Việt Nam trong khoảng thời gian từ 1943-1990 lại cho một câu chuyện khác.

Biểu đồ: Sự thay đổi bao phủ rừng của Việt Nam từ 1943-1990. Đen là độ bao phủ của rừng, trắng là đất không phải rừng. Nguồn (GEF 1994)

Do nhiều tác động từ chiến tranh, và sau đó là nhu cầu phát triển dân số của một quốc gia trên đà tái cơ cấu sau chiến tranh, ta đã thực hiện một sự đánh đổi. Các thay đổi rõ rệt nhất có thể thấy được tại Vùng Tây Bắc, Miền Trung và Tây Nguyên.

Nhận định được mối đe dọa của sự mất rừng, nhà nước ta đã thực hiện nhiều chính sách vào những năm 80-90 để giảm thiểu nạn phá rừng, ví dụ như các chỉ thị cấm khai thác gỗ tại Việt Nam. Tới thời điểm này, độ bao phủ rừng của VN đã trở lại gần mức của năm 1940, nhưng đa số là rừng “sản xuất”, tức rừng trồng tràm, keo để phục vụ mục đích kinh tế. Điều đáng nói ở đây là diện tích rừng đã được trồng lại này đem lại giá trị sinh học thấp hơn rất nhiều các cánh rừng nguyên sinh chúng ta từng có, khi sự đa dạng đã bị thay thế bằng chỉ một, hai loại cây chính.

Biểu đồ: Công cuộc trồng rừng để gia tăng sự bao phủ từ những thập niên 80-90 tới 2012. Xám là rừng tự nhiên. Đen là rừng trồng sản xuất. (Kellas và Phạm, 2013) 

 

Trở thành… “Bạc rừng, vàng biển”

Câu chuyện “đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế” đã và luôn là một vấn đề nan giải. Việc đảm bảo được 90,000,000 người có công ăn việc làm trên mảnh đất thanh mảnh này ắt hẳn đòi hỏi sự hy sinh nào đó về tài nguyên môi trường. 

Nhiều lúc, chính sự hy sinh ấy lại để lại những hậu quả lâu dài. Trong chuyến đi về từ Háng Đề Chơ, chúng tôi đã lái qua rừng quốc gia Xuân Sơn. Xung quanh rừng quốc gia này, các thung lũng xưa kia được cây cối che phủ đã được chuyển đổi gần hết sang ruộng mương. 

Vào khoảng 2016-2017, một đợt lũ quét đã tràn qua khu vực, kéo đi hết đường xá, nhà cửa và ruộng mương của bà con. Bây giờ, để đi vào được khu bản dân tộc, thay vì đường đất, tôi và Ruben phải bỏ xe, đi bộ qua con đường mòn xuyên rừng tầm 30 phút. Trên con đường đó, chúng tôi gặp các bác nông dân vác đi vác về nông sản đem chợ bán và thấm nhuần sự mệt mỏi và đau xót của họ. “Nhà giờ có còn gì đâu. Có mấy sào ruộng để ăn cả năm mà giờ cũng cuốn đi hết rồi. Thằng con tau phải lên Hà Nội làm xây dựng mà kiếm sống,” một bác nông dân chia sẻ…  

 

Giờ sao?

Nam hy vọng câu chuyện nho nhỏ của Nam sẽ mở ra cho các bạn những cuộc thảo luận về vấn đề phát triển kinh tế nông thôn và bảo tồn rừng. Câu chuyện này đang không chỉ diễn ra ở Việt Nam, mà còn ở nhiều quốc gia lãnh thổ khác trên toàn thế giới. Nếu tại thời điểm này, các bạn thấy thất vọng, Nam hiểu. Với Nam, ánh sáng cuối đường hầm ở đây—là vấn đề này đồng thời cũng được am hiểu rất rõ ở các cơ quan chính phủ nhà nước, và nhiều chính sách tân tiến đang được thực thi để xoay chuyển tình thế bất cập này. 

Để giải đáp được câu hỏi lớn “giờ sao”, chúng ta cần có kiến thức – kiến thức để xác định được cách tốt nhất nhằm cân bằng cái kim chỉ  giữa con người/kinh tế và môi trường. Ngoài các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức xã hội, Nam cũng muốn khuyến khích các bạn thanh niên trẻ hãy tham gia sâu vào các hoạt động nghiên cứu về kinh tế/ môi trường/ quản lý rừng, để có thể đưa ra được những thay đổi lớn và lâu dài về chính sách!

 

Nguyễn Vũ Bảo Nam hiện là chuyên viên nghiên cứu tại Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế (CIAT), một tổ chức nghiên cứu và đưa ra các khuyến nghị chính sách về nông nghiệp thích ứng khí hậu, phòng chống thiên tai và quản lý sinh thái. 

 

Nguyen Vu Bao Nam