Những hạt cà phê cháy khô
Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tại một buôn làng Êđê
Khi còn nhỏ tôi thường cùng mẹ lên rẫy. Đến bây giờ, tôi vẫn không quên được những quả đồi cà phê tươi mơn mởn, xanh mướt thuở ấu thơ.
Gia đình tôi thường xuyên lấy nước từ con suối trong làng để tưới rau và tưới cà phê. Người dân trong trong làng tôi hầu hết sống bằng nghề nông, cà phê là cây trồng chính.
Tuy nhiên, những năm gần đây, từng quả đồi xanh mướt khi xưa đã trở thành đồi trọc, đất trống. Những cánh rừng cà phê trở nên vàng úa vì nguồn nước ngày càng cạn kiệt. Thời tiết thay đổi bất thường làm thường xuyên xảy ra hiện tượng hạn hán, thiếu nước, đặc biệt là vào mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 trong năm.
Bối cảnh và thực trạng biến đổi khí hậu ở quê tôi
Từ xa xưa, theo phong tục tập quán của đồng bào Tây Nguyên nói chung và người Êđê nói riêng, trước khi họ chọn một địa điểm lập làng để an cư lạc nghiệp, họ luôn tìm một nơi nào đảm bảo có nguồn nước và bến nước đầu nguồn. Nguồn nước rất cần thiết và quan trọng cho hoạt động sản xuất nông nghiệp để góp phần ổn định kinh tế đời sống cho người dân.
Trong bối cảnh hiện nay, BĐKH đã gây thiếu nước thường xuyên, ngày càng ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất, sản lượng và phát triển bền vững của cà phê trên địa phương tôi.
Năm 2015 lượng mưa chỉ bằng 60% so với bình quân nhiều năm và là năm hạn hán khốc liệt nhất. Do tác động của El Nino cũng đã làm cho kích cỡ hạt cà phê nhân giảm khoảng 30%, đặc biệt là ở vùng khô hạn nặng thì giảm đến 45%.
Những năm nắng nóng kéo dài làm năng suất cà phê giảm 15 – 25% so với các năm có mưa bình thường. Ngoài ra, BĐKH làm lượng mưa thất thường vào thời điểm thu hoạch (tháng 12, tháng 1) cũng như nắng nóng kéo dài, thường xuyên xảy ra hạn hán mất nước khiến cây cà phê khó ra hoa, nhiều sâu bệnh, gây rụng trái, nhỏ hạt, khô trái ảnh hưởng đến quá trình thụ phấn và năng suất. Điều này ngày càng làm cho chi phí sản xuất tăng lên, lợi nhuận giảm đi khiến cho đời sống nông dân ngày càng lao đao và bấp bênh.
Thêm vào đó, cây cà phê là cây cần nhiều nước tưới. Phương pháp tưới truyền thống hiện vẫn là phương pháp chính được sử dụng trong các vườn cà phê, đặc biệt là cà phê nông hộ đã gây sụt giảm nguồn nước ngầm nghiêm trọng. Ở nhiều địa phương, việc khoan quá nhiều giếng khoan phục vụ cây cà phê đã làm thủng tầng nước ngầm, ô nhiễm đất và nguồn nước gây lãng phí, không hiệu quả. Điển hình tại Đắk Lắk, tổng trữ lượng nước ngầm hiện tại giảm còn khoảng 30 – 35% của mức năm 1997. Con số này cho thấy nếu không có những biện pháp khắc phục, trong 10 hoặc 20 năm tới nữa, việc thiếu nguồn nước ngầm sẽ là một mối đe dọa lớn đối với môi trường và ngành nông nghiệp.
Không đủ nước cho cây cà phê và các cây trồng hoa màu khác làm thường xuyên mất mùa nên người nông dân, cộng đồng cà phê là những người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Thất bại trong mùa màng, người dân lỗ vốn, không đủ tiền chi trả nợ phân bón, tiền thuê nhân công và các chi phí đầu tư khác. Điều này đã khiến rất nhiều người, có hộ cả vợ lẫn chồng đổ xô vào các khu Công Nghiệp (KCN) ở Đồng Nai, Bình Dương làm công nhân kiếm vốn trả nợ, để lại những đứa con nhỏ ở nhà thiếu thốn sự lo lắng chăm sóc dạy dỗ của cha mẹ. Mặt khác, một số thanh niên đàn ông có sức khỏe tham gia vào rừng để trộm cưa cây rừng hoặc lấy măng để bán lấy tiền nuôi gia đình và bản thân.
Ước mơ của tôi
Hiểu được điều đó, tôi khao khát được góp phần vào việc cải thiện môi trường, ứng phó với sự biến đổi khí hậu (BĐKH) và giữ gìn nguồn nước bằng việc thực hiện một dự án sáng tạo trong việc cung cấp nước cho đồng bào Êđê tại Đắk Lắk.
Mong muốn cuối cùng của tôi là khắc phục những hậu quả về BĐKH tại địa phương và giúp người dân phát triển nông nghiệp bền vững, cải thiện đời sống kinh tế, ổn định về giáo dục, y tế cũng như văn hóa và xã hội.
Nguồn tham khảo:
http://wasi.org.vn/tac-dong-cua-bien-doi-khi-hau-toi-san-xuat-ca-phe/
https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/ca-phe-khon-kho-vi-bien-doi-khi-hau-823477.html
https://nongnghiep.vn/bien-doi-khi-hau-anh-huong-the-nao-den-ca-phe-d217459.html