Chuyển dịch năng lượng và vai trò của thanh niên

Nhân lực trình độ cao 

Hiện tại, một trong những trở ngại lớn của ngành năng lượng tái tạo tại Việt Nam cũng như trên thế giới là sự thiếu hụt nguồn nhân lực trình độ cao. 

Các công ty năng lượng tái tạo đang phát triển nhiều dự án mới và cần thêm nguồn nhân lực. Tuy nhiên, vì trong nước chưa có nguồn nhân lực chuyên sâu nên họ đành phải tuyển dụng các kỹ sư có kiến thức nền phù hợp ở nước ngoài. Đây có thể nói là một tổn thất rất lớn cho các kĩ sư Việt Nam khi mà chính những người kĩ sư đó, nếu được đào tạo bài bản, hoàn toàn có thể hoàn thành tốt các công việc được giao. 

Nhưng bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội, cũng như vai trò cho các thanh niên trong việc bổ sung sự thiếu hụt nhân lực ngành năng lượng tái tạo trong tương lai. Bằng việc học tập, tích lũy kiến thức, kết hợp với tham gia các dự án năng lượng tái tạo để lấy thêm kinh nghiệm, thanh niên Việt Nam sẽ có thể phát triển mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, góp phần vào quá trình chuyển dịch năng lượng của quốc gia. 

“Hạt nhân trong cộng đồng” 

Tất nhiên, không phải bất kỳ bạn thanh niên nào cũng có ước mơ làm việc trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Nhưng bất cứ thanh niên nào cũng có thể trở thành người đổi mới, người tiên phong để mang những nguồn năng lượng sạch, đáng tin cậy về gia đình, khu vực bạn đang sinh sống—làm “hạt nhận” thay đổi trong chính cộng đồng của bạn. 

Đơn giản nhất, một ví dụ mà tôi có thể kể đến là việc khuyến khích lắp điện mặt trời áp mái cho hộ gia đình và địa phương mà thanh niên đang sinh sống. Bằng việc khuyến khích cộng đồng lắp đặt các nguồn điện năng lượng tái tạo tự dùng, thanh niên có thể góp phần nâng cao tỷ lệ NLTT trong tổng công suất lắp đặt tại Việt Nam, góp phần rất lớn vào quá trình chuyển dịch năng lượng. 

 

Hình 1: Lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà để tự tiêu thụ

Vai trò cuối cùng mà tôi nghĩ các bạn thanh niên có thể phát huy đấy chính là trở thành những thành phần nòng cốt nghiên cứu, tìm tòi, phát triển các công nghệ năng lượng tái tạo hiện tại. Có thể thấy một trong những yếu tố thúc đẩy sự phát triển năng lượng mặt trời tại Việt Nam trong ba năm vừa qua không chỉ đến từ các cơ chế khuyến khích từ phía chính phủ, mà còn một phần rất lớn đến từ sự giảm giá thành các thiết bị năng lượng mặt trời. Nhưng các bạn có bao giờ tự hỏi, làm sao giá thành những thiết ấy có thể giảm xuống nhanh như vậy? Sự giảm giá thành nhanh chóng ấy xuất phát không đâu xa cả, mà từ chính các công nghệ cấu thành nên các thiết bị ấy đã dần được hoàn thiện và trở nên rẻ hơn. . 

Vậy nên nếu các bạn có thể nghĩ ra một ý tưởng nào đấy, hãy cố gắng thử nghiệm nó! Biết đâu bạn sẽ là người nghĩ ra ý tưởng táo bạo tiếp theo để đóng góp cho công cuộc chuyển dịch năng lượng này!

 

H

ình 2: Hình ảnh một bạn sinh viên trong lab nghiên cứu về NLTT tại trường đại học Bách khoa Hà Nội

 

Phan Văn Long

Mình là Phan Văn Long, hiện đang là sinh viên năm thứ 4 chuyên ngành Hệ thống điện tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội và cũng là nghiên cứu sinh tại 100RE Lab. Bên canh công việc học tập và nghiên cứu trên trường, mình thường xuyên tham gia hỗ trợ các dự án, cuộc thi có chủ đề liên quan đến Năng lượng tái tạo, Năng lượng bền vững.