Clean N’ Green & Mục tiêu phân loại rác thải
Clean n’ Green là nhóm hành động vì môi trường, hướng tới phát triển bền vững ở Hà Nội với 4 thành viên: Thái Khanh, Nhật Linh, Minh Thư và tôi – Khang Hưng. Với hoạt động chính là đóng góp cho các dự án phát triển bền vững và lan tỏa lối sống xanh tới cộng đồng, hiện tại, chúng tôi đang trong quá trình triển khai đề xuất phân loại rác tại một số chung cư trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đây cũng chính là dự án chúng tôi đã, đang theo đuổi suốt một thời gian dài, bắt đầu từ khi lập ra nhóm.
Hành trình phân loại rác: Từ Nam Sơn đến Clean n’ Green
Hành trình hướng tới phân loại rác của tôi bắt đầu từ năm 2018 qua dự án “Hanoians and Unsorted Waste” (Người Hà Nội và Rác thải không phân loại) trong cuộc thi Learning Across Borders. Khi đó, qua tìm hiểu, tôi và các bạn đồng trang lứa đã thấy một thực trạng rất đáng buồn về rác tại Hà Nội với những con số đáng nói như lượng rác thải ra mỗi ngày ở Hà Nội là khoảng 6500 tấn, tốn đến khoảng 8 tỷ đồng để xử lý mà chỉ 70% lượng rác là có thể thu gom được.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thấy được những bất cập trước mắt như những khu vực thu rác quá tải, bốc mùi khó chịu trên mỗi con phố, nhiều sông hồ có rác trôi nổi. Tôi nhìn nhận được điều này một cách rõ ràng nhất thông qua chuyến đi thực địa lên bãi rác Nam Sơn (bãi rác lớn nhất của Hà Nội). Ở đây, dù chún tôi đứng cách bãi rác hơn 500m với 2 lớp khẩu trang, mùi của bãi rác vẫn vô cùng nồng nặc, ngột ngạt và khó thở. Khi đi hỏi những người dân xung quanh, chúng tôi còn được biết thêm về những lần mưa không thể tới được khu vực quanh bãi rác vì lượng khí tỏa lên quá mạnh.
Sau chuyến thực địachúng tôi vạch ra sơ đồ quá trình thu gom xử lý rác thải sinh hoạt ở Hà Nội. Qua sơ đồ, chúng tôi càng thấy rõ hơn sự không hiệu quả của quy trình xử lý rác hiện hành cũng như những tác động tiêu cực của nó tới môi trường xung quanh, tới các sinh vật và cả con người. Tất cả những điều này làm chúng tôi đặt ra câu hỏi “Đâu là giải pháp cho vấn đề này?”
Câu hỏi này đã đưa chúng tôi đến với câu trả lời: phân loại rác thải. Với những trải nghiệm có từ trước về quá trình phân loại rác ở Thụy Điển và Nhật Bản, chúng tôi đã đưa ra kế hoạch phân loại rác với 5 loại bao gồm: hữu cơ, bao bì nhựa, tái chế, nguy hại, điện tử. Với cách phân loại trên, chúng tôi thấy các vấn đề nêu trên đều được giải quyết và được thay thế bằng nhiều lợi ích như bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe, tiết kiệm tiền bạc, tài nguyên, v.v.
Giải pháp và thực thi
Vào năm 2019, Clean n’ Green chính thức góp mặt trong cuộc thi “My Website, My Profile” với một website nhằm chia sẻ các kiến thức sống xanh và phát triển bền vững. Sau đó, chúng tôi cũng tham gia cuộc thi “Kids Witness News” và làm ra phim tài liệu ngắn “Change” (Thay đổi) để nói về hành trình thay đổi nhận thức về môi trường của chúng tôi từ đó truyền cảm hứng thức đẩy mọi người cùng sống xanh. Trong khoảng thời gian này, chúng tôi cũng có một vài buổi chia sẻ với các bạn học sinh Trường Quốc tế Nhật Bản (JIS) về ý tưởng phân loại rác của nhóm.
Cuối năm 2019, nhóm chúng tôi cuối cùng mang đề xuất phân loại rác của mình tới cuộc thi Tìm kiếm Giải pháp Quốc gia do UNICEF tổ chức. Ở đây, chúng tôi thay đổi cách phân loại thành 5 loại mới: hữu cơ, tái chế, điện tử, nguy hại, còn lại cũng như chỉ ra cụ thể hơn mục tiêu là ở các chung cư có đủ điều kiện thực hiện và cách thực hiện của chúng tôi là truyền thông thay đổi nhận thức (việc triển khai các trang thiết bị sẽ do BQL chung cư thực hiện).
Với đề xuất này, chúng tôi được chọn là một trong ba đội để hiện thực hóa dự án. Mặc dù COVID-19 đã hạn chế khả năng triển khai dự án của chúng tôi, trong thời gian tới, khi điều kiện thuận lợi hơn, dự án của chúng tôi sẽ tiếp tục được triển khai thí điểm.
Những nút thắt cần tháo gỡ
Qua quá trình hoạt động vì môi trường cùng Clean n’ Green, tôi thấy còn nhiều thách thức đối với thanh niên Việt Nam trong việc hành động vì môi trường và phát triển bền vững. Phải kể đến là việc thiếu thông tin để tìm hiểu, thông tin hiện có chưa rõ ràng, khó tiếp cận và việc nhiều lúc các cơ quan chức năng chưa thực sự cởi mở, nhiệt tình, thiếu sự hỗ trợ với các dự án của thanh niên.
Bên cạnh đó, việc thiếu kỹ năng triển khai dự án, thiếu mạng lưới đủ mạnh, đủ sức liên kết cũng là những vấn đề đáng nói khác. Để giải quyết các vấn đề này, theo tôi, thanh niên Việt Nam cần được tiếp cận với nhiều nguồn thông tin đầy đủ, đa dạng, toàn diện, chính xác (như Youth 4 Climate Learning Hub) và được tạo điều kiện tham gia nhiều khóa tập huấn, diễn đàn để có thể trang bị thêm kĩ năng, kiến thức.
Ngoài ra, thanh niên Việt Nam cũng cần liên kết với nhau để tạo nên những mạng lưới hành động vì khí hậu đủ mạnh, và vô cùng quan trọng – các cơ quan chức năng cần tạo nhiều điều kiện hơn nữa, hỗ trợ nhiều hơn nữa với các dự án của thanh niên. Khi những điều này được thực hiện, tôi tin chắc rằng các dự án thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu sẽ đạt được hiệu quả cao, tạo ra nhiều tác động tích cực đối với môi trường và xã hội.