TRỒNG RỪNG – Cây miền ngược, Nước miền xuôi
Chúng tôi, 37 con người, đã vượt 160 km đường ô tô và đi bộ 8km đường đất trong 3 ngày mưa bão để mang 3200 cây giống tới bản vùng sâu vùng xa…
Chúng tôi, 37 sinh viên, đã biến những giải pháp thích ứng và giảm nhẹ Biến đổi khí hậu không còn chỉ là lý thuyết trên giảng đường…
Chúng tôi, 37 thanh niên, đã thực những điều vô cùng nhỏ bé cho đóng góp chung của cộng đồng trong công cuộc ứng phó với Biến đổi khí hậu.
Từ nhận thức tới hành động
Từ giảng đường tới cuộc sống hàng ngày, Biến đổi khí hậu không còn là một điều xa lạ đối với mỗi sinh viên ngành Rừng, ngành Lâm Nghiệp như chúng tôi. Biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp tới tất cả các khía cạnh của đời sống văn hóa, kinh tế, xã hội[1] với những biểu hiện rõ nét nhất là sự nóng lên toàn cầu, nước biển dâng, tần suất và cường độ của những hiện tượng thời tiết cực đoan trở nên khắc nghiệt.v.v. Mà nguyên nhân chính của Biến đổi khí hậu xuất phát từ sự phát thải khí nhà kính liên tục và không có dấu hiệu giảm đi trong nhiều năm qua[2]. Việt Nam là quốc gia được đánh giá là một trong những nước dễ bị tổn thương do ảnh hưởng của Biến đổi khí hậu. Việc giảm nhẹ và thích ứng với Biến đổi khí hậu là một trong những vấn đề cấp thiết của quốc gia[3].
Trong công cuộc ứng phó với BĐKH rừng đóng vai trò quan trọng bởi nó là bể chứa Cacbon giúp hấp thụ và làm giảm nồng độ khí CO2 trong khí quyển[4]. Rừng giúp điều tiết dòng chảy, giảm nguy cơ sạt trượt lở, lũ ống lũ quét, và khô hạn ở vùng đầu nguồn cũng như hạ lưu. Bên cạnh đó, rừng còn là môi trường sống, kiếm ăn của các loài động vật hoang dã.
Câu lạc bộ Green For Future của sinh viên “trường Rừng*” chúng tôi đã trải qua 8 năm thực hiện những giải pháp về thích ứng và giảm nhẹ BĐKH. Từ những hội thảo, tọa đàm về bảo tồn hệ sinh thái tới những chiến dịch, những chương trình nhằm sử dụng bền vững năng lượng, nâng cao nhận thức về BĐKH, giải pháp thích ứng với BĐKH cho học sinh… Trong Thập kỷ về phục hồi hệ sinh thái của Liên Hợp Quốc, chúng tôi muốn làm nhiều điều thiết thực hơn, muốn một lần nữa khẳng định ứng phó với BĐKH không thể tách rời với rừng và thiên nhiên.
Chương trình Giáo dục thiên nhiên về thích ứng với BĐKH cho 500 em học sinh tiểu học – Ảnh Green For Future
Hành trình mang màu xanh tới những miền xa
Trong thời gian đầu hoạt động, Green for Future tập trung chủ yếu vào các hoạt động giáo dục và trồng cây trong thành phố. Tuy nhiên, chúng tôi luôn nung nấu mong muốn tạo được ảnh hưởng lâu dài bằng việc trồng cây ở những nơi thật sự thiếu, v.v. (nói chung trình bày một xíu về background hoạt động của tổ chức trước khi có Cây miền ngược, nước miền xuôi, để người đọc đỡ bị confused khi từ đoạn này qua đoạn khác)
Chúng tôi may mắn được gặp, làm việc và đồng hành cùng các cán bộ kiểm lâm Khu Bảo tồn Hang Kia – Pà Cò trong suốt thời gian 6 tháng chuẩn bị về mặt kỹ thuật, địa giới và công tác tiền trạm. Những chuyến đi rừng dài đằng đẵng, thu thập số liệu về tự nhiên, khí hậu, loại đất, giống cây lâm nghiệp phù hợp với địa phương. Rồi tới những buổi làm việc với bà con dân tộc H’Mông, xin ý kiến lãnh đạo địa phương… Để có Cây miền ngược, nước miền xuôi là cả một quá trình làm việc giữa nhà tài trợ (Cơ quan viện trợ Ireland; CSDS), CLB, cán bộ địa phương,cán bộ kiểm lâm và bà con dân tộc H’Mông bản Thung Mài.
Cán bộ kiểm lâm Hà Công Tùng KBT Hang Kia – Pà Cò – Ảnh Thanh Tâm
Hành trình của chúng tôi bắt đầu vào một ngày cuối tháng 7, khi cơn bão số 2 chuẩn bị đổ bộ lên các tỉnh phía Bắc, thời tiết bị ảnh hưởng nặng nề do mưa giông. Đoàn chúng tôi gồm 37 người đều là sinh viên các trường Đại học ở Hà Nội đã đi 160km đường ô tô và đi bộ 8km đường đất cùng thanh niên bản Thung Mài và các cán bộ kiểm lâm mang cây giống lên Bản.
Con đường đất 8km lên bản Thung Mài – Ảnh Green For Future
Sau 3 ngày cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con, 3200 cây giống Giổi và Đào đã phủ xanh 2ha đất trống khu vực đầu nguồn. Dù điều kiện cơ sở hạ tầng còn nhiều yếu kém, thời tiết không ủng hộ nhưng với sự đồng lòng của các cán bộ kiểm lâm, bà con địa phương và các bạn thanh niên tham gia chương trình, cánh rừng cộng đồng nhỏ đã được giao cho địa phương với mong muốn rừng đầu nguồn sẽ điều tiết dòng chảy, chống xói mòn, giữ mạch nước ngầm và lâm sản ngoài gỗ phần nào cải thiện đời sống của bà con dân tộc vùng sâu vùng xa.
Các bạn sinh viên tham gia trồng cây – Ảnh Green For Future
Bà con dân tộc H’Mong và thành viên chương trình cùng nhau phát dọn thực bì – Ảnh Green For Future
Cán bộ kiểm lâm Sùng A Vàng hướng dẫn thanh niên trồng cây – Ảnh Green For Future
Hành trình không dừng lại ở đó…
Trồng cây mới chỉ là bước đầu tiên trong cả một quá trình dài. Việc chăm sóc và quản lý rừng bền vững mới là cốt lõi của giải pháp thích ứng và giảm nhẹ BĐKH dựa vào rừng và hệ sinh thái. Chúng tôi muốn chia sẻ câu chuyện thực tế của chính mình để cổ vũ các bạn trẻ hành động vì khí hậu. Và hành trình tiếp theo Cây sẽ không còn chỉ ở “miền ngược” mà sẽ tới miền trung du, đồng bằng và miền biển để cùng chung tay ứng phó với BĐKH.
Kiều Thúy Quỳnh
Trưởng dự án Cây miền ngược – Nước miền xuôi
Thực tập sinh tại Friedrich-Ebert-Stiftung
Tài liệu tham khảo
[1] James A. Harris, Richard J. Hobbs, Eric Higgs, James Aronson. 2006. Ecological Restoration and Global Climate Change. Restoration Ecology Volume 14, Issue 2 p. 170-176
[2] R. Rehan, M. Nehdi. 2005. Carbon dioxide emissions and climate change: policy implications for the cement industry. Environmental Science & Policy Volume 8, Issue 2, p. 105-114
[3] Bộ Tài nguyên và Môi trường. 2016. Kịch bản Biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam.
[4] John Grace. 2004. Understanding and managing the global carbon cycle. Journal of Ecology Volume 92, Issue 2 p. 189-202