Báo cáo Đánh giá khí hậu quốc gia

Báo cáo Đánh giá khí hậu quốc gia lần thứ nhất được xây dựng với mục đích cung cấp các thông tin về đặc điểm, hiện trạng và mức độ thay đổi của khí hậu, những tác động ở hiện tại và trong tương lai của BĐKH để hỗ trợ cho việc xây dựng, triển khai thực hiện các kế hoạch ứng phó với BĐKH và lồng ghép ứng phó với BĐKH vào các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội của các bộ, ngành và địa phương. Bên cạnh đó, Báo cáo cũng góp phần phổ biến và nâng cao nhận thức xã hội về các thay đổi của khí hậu, tác động của BĐKH, các thách thức cũng như cơ hội trong ứng phó với BĐKH tại Việt Nam.

Các nội dung chính của Báo cáo liên quan đến: (i) Phân tích mức độ dao động khí hậu và biến đổi của khí hậu ở Việt Nam (Chương I); (ii) Xác định mức độ phù hợp của kịch bản BĐKH, việc sử dụng kịch bản BĐKH trong hoạt động ứng phó với BĐKH (Chương II); (iii) Đánh và tổng hợp tác động của BĐKH đối với các nhóm đối tượng chính như thiên tai khí tượng thủy văn, tài nguyên, môi trường và hệ sinh thái và các hoạt động kinh tế – xã hội (Chương III); và (iv) Tổng hợp và đánh giá hiệu quả của các chính sách ứng phó với BĐKH ở Việt Nam có tính đến các tác động đến phát triển kinh – tế xã hội và mục tiêu phát triển bền vững (Chương IV). Do Báo cáo được xây dựng lần đầu tiên nên một số thông tin và các chỉ số đánh giá chưa được xây dựng, thu thập và áp dụng một cách đầy đủ, vì thế cần được cập nhật và hoàn thiện trong các kỳ báo cáo tiếp theo. 

Báo cáo Đánh giá khí hậu quốc gia lần thứ nhất đã đưa ra được những thông tin cơ bản về đặc điểm, hiện trạng, mức độ thay đổi của khí hậu, khí hậu cực đoan,  phân tích những tác động của biến đổi khí hậu ở hiện tại và tương lai, xu thế thay đổi của khí hậu. Báo cáo cũng đã nhận định về những nỗ lực, thành quả và thiếu hụt trong ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam trong thời gian qua.

Các dự tính về biến đổi khí hậu cung cấp thông tin về các rủi ro trong tương lai dựa trên các kịch bản RCP theo mức độ: Cơ bản và nâng cao, có thể khai thác và sử dụng trực tiếp hoặc có thể làm đầu vào cho các mô hình để phân tích, đánh giá tác động và xây dựng các giải pháp ứng phó cũng như trong việc lồng ghép vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, vì vậy cần được xem xét và lựa chọn phù hợp với từng ngành, lĩnh vực và địa phương với các tiêu chí: Tính đặc thù; Tính đa mục tiêu; Tính hiệu quả nhiều mặt; Tính bền vững; Tính khả thi.

Báo cáo là tài liệu cung cấp thông tin hữu ích cho việc xây dựng, triển khai thực hiện các kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu, hỗ trợ cho việc lồng ghép ứng phó với biến đổi khí hậu vào các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội của Bộ, ngành và địa phương. 

Kịch bản biến đổi khí hậu phiên bản cập nhật năm 2020

Năm 2009, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã lần đầu tiên công bố Kịch bản biến đổi khí hậu nhằm phục vụ cho việc đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến các ngành, lĩnh vực, khu vực và sử dụng trong quá trình xây dựng và cập nhật chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển của ngành, vùng, địa phương. Trong thời gian qua, tình hình biến đổi khí hậu và môi trường đã biến đổi rất nhiều và đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cập nhật thường xuyên thông qua bản Kịch bản Biến đổi khí hậu. Kịch bản lần này là đã sử dụng các công bố mới nhất của Ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu, kết quả cập nhật nhất của các mô hình khí hậu toàn cầu, số liệu quan trắc khí tượng thủy văn, số liệu mực nước biển đo đạc từ vệ tinh và số liệu địa hình, bổ sung 10 phương án mô hình toàn cầu và 6 mô hình khu vực. 

Báo cáo đặc biệt của Việt Nam về Quản lý rủi ro thiên tai và hiện tượng cực đoan nhằm thúc đẩy thích ứng với biến đổi khí hậu (SREX Việt Nam)

SREX Việt Nam phân tích tình hình ở Việt Nam theo những kết quả của báo cáo SREX toàn cầu. SREX Việt Nam đánh giá các tài liệu của Việt Nam về BĐKH, các hiện tượng thời tiết và khí hậu cực đoan (‘cực đoan khí hậu’) và tác động của những hiện tượng này đối với xã hội và phát triển bền vững. SREX Việt Nam đánh giá sự tương tác của các yếu tố khí hậu, môi trường và con người có thể dẫn đến những tác động và thiên tai, và các phương án quản lý các loại hình rủi ro, nhằm mục tiêu thúc đẩy thích ứng với BĐKH và quản lý các hiện tượng cực đoan vàt hiên tai ở Việt Nam.

Để đọc thêm về chương trình SREX, IMHEN và UNDP, vui lòng truy cập đường link – https://www.vn.undp.org/content/vietnam/en/home/library/environment_climate/viet_nam_special_report_on_managing_the_risks_of_extreme_events_and_disasters.html