Cà phê của tương lai – Hai cách để cứu tách cà phê của bạn khỏi biến đổi khí hậu 

Hãy tưởng tượng rằng bạn đang vật lộn để tìm nước trong mùa khô, từ tháng 10 đến tháng 4. Hãy tưởng tượng rằng mỗi năm, mùa khô càng kéo dài hơn và khô hơn vì biến đổi khí hậu. Bây giờ, hãy tưởng tượng rằng bạn không thể di chuyển để lấy nước. Vì sao? Vì bạn là một cây cà phê.

Một cây cà phê không có nhiều lựa chọn để lấy nước. Nó có thể mọc rễ dài hơn hoặc rụng lá để lấy thêm nước hoặc tiết kiệm nước. Cây cũng có thể điều chỉnh sự mất nước bằng cách điều chỉnh độ mở của khí khổng, những lỗ rất nhỏ trên lá để cây trao đổi khí, không nhìn thấy bằng mắt thường.

Theo những cách này, trong vòng 200 năm nay, một cây cà phê có thể sống sót qua một đợt hạn hán thông thường. Tuy nhiên, gần đây hơn có một vấn đề khác làm bài toán lấy nước trở nên càng khó khăn hơn: biến đổi khí hậu. Một lượng lớn khí nhà kính như carbon dioxide và methane được thải vào khí quyển trong 200 năm qua đã làm xáo trộn khí hậu của chúng ta. Nhiệt độ trung bình trên toàn thế giới ngày càng trở nên cao hơn, một biểu hiện của sự nóng lên toàn cầu. =

Thế giới nóng hơn đồng nghĩa với việc hạn hán kéo dài hơn và trở nên khô hơn với lượng nước ít hơn để cây cà phê phát triển và ra quả. Nếu bạn đang sống ở thành thị, điều này có thể nghe thật là khủng khiếp làm sao. Không có trái cà phê có nghĩa là không có cà phê để uống vào buổi sáng trước khi bạn hối hả đi làm. Nhưng đối với những người nông dân, những ảnh hưởng của khô hạn còn tồi tệ hơn vì họ cần hạt cà phê để mưu sinh. 

Vậy, liệu chúng ta có thể tìm ra giải pháp cho cây cà phê để chống hạn tốt hơn và giúp người nông dân duy trì thu nhập không? 

Cà phê ban đầu lớn lên dưới bóng râm của rừng Ethiopia: một khu vực tươi tốt hơn, với môi trường thân thiện hơn cho nó phát triển. Ở Việt Nam thì hơi khác một chút. Cây cà phê được trồng lẻ loi trên đồng. Khi biến đổi khí hậu làm cho môi trường khô cằn hơn, cây cà phê phải vật lộn một mình để tồn tại và cho ra quả. Làm thế nào nó có thể lớn lên ở một nơi mà công nghệ tưới tiêu không có và nguồn nước dự trữ không nhiều? 

Giải pháp đầu tiên là tìm kiếm và lai tạo các giống cà phê tốt hơn. Ở Ethiopia, một số giống cà phê hoang dã nhất định có thể được chọn lọc và lai với các giống thương mại để tạo ra các giống lai cải tiến. Việc lai giống như vậy cũng có thể xảy ra một cách tự nhiên: ví dụ, vào đầu thế kỷ 20, một cây cà phê Robusta lai tự nhiên với cây cà phê Arabica để tạo ra một cây lai mới kháng bệnh gỉ trên lá cà phê.

Trái ngược với các chương trình lai tạo trước đây tập trung vào việc tăng năng suất cà phê trong điều kiện ánh nắng đầy đủ, các nhà khoa học hiện đang chọn giống lai có khả năng chống lại hạn hán khắc nghiệt – và tạo ra nhiều hạt chất lượng cao dưới bóng râm. Phần thứ hai đặc biệt quan trọng. Trong thời gian khô hạn, nếu cây cà phê ở trong bóng râm, cây che bóng sẽ cạnh tranh với nó để lấy nước vốn đã khan hiếm trong đất. Tuy nhiên, cây che bóng có thể giữ độ ẩm không khí dưới tán của nó và bơm nước từ các tầng đất sâu để tưới cho cây cà phê.

Các giống này đã được thử nghiệm ở Nicaragua, Cameroon và Costa Rica, nhưng chưa có ở Việt Nam—cho đến năm 2018. Trong năm 2018, nhóm nghiên cứu của tôi đã trồng ba trong số các giống lai cải tiến này tại Việt Nam. Từ các thí nghiệm mà chúng tôi đã thực hiện trong năm nay, tôi có thể nói rằng các giống lai mới lớn hơn và cao hơn so với các giống thương mại thường được trồng ở Việt Nam. Sau khi đo lường năng suất và chất lượng hạt, chúng ta sẽ biết liệu những giống lai này có thực sự tạo ra được nhiều hạt cà phê hơn và ngon hơn ở đây giống như ở Châu Mỹ Latin và Châu Phi hay không.

Từ các nghiên cứu trước đây ở các nước khác, chúng tôi rất tin tưởng rằng năng suất và chất lượng hạt lai sẽ cao hơn của  Catimor – loại cà phê Arabica thường được trồng ở Việt Nam.

Thay vì thay đổi bản thân cây cà phê, chúng ta có thể thay đổi môi trường xung quanh cây cà phê và quản lý những cánh đồng cà phê tốt hơn.

Biến đổi khí hậu làm tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu và dịch chuyển các khu vực thích hợp để trồng cà phê lên vĩ độ cao hơn. Trong tương lai gần, việc trồng cà phê ở những vùng đất thấp sẽ rất rủi ro và thậm chí là không thực tế; đó là lý do tại sao ta nên trồng cà phê ở những vùng đất cao hơn để thích ứng với biến đổi khí hậu. Trung bình, cứ lên 100m thì nhiệt độ sẽ giảm 0,6 ° C; do đó, một môi trường trong lành thích hợp cho cà phê Arabica sẽ chỉ được tìm thấy ở những nơi có độ cao lớn.

Tất nhiên, một môi trường xung quanh cây cà phê bớt khô là tưới nước. Tưới nước cho cây nghe có vẻ là một công việc dễ dàng, nhưng trên thực tế thì không. Những hộ nông dân nghèo không được tiếp cận với nước hoặc công nghệ tưới tiêu hiện đại. Những nông dân có đủ khả năng chi trả cho các hệ thống tưới tiêu thường tưới quá mức và lãng phí nước. Nguồn nước ngầm dự trữ có thể nhanh chóng cạn kiệt khi tất cả nông dân trong vùng mở vòi quá lâu. Thách thức ở đây là cung cấp cho nông dân một hệ thống tưới tiêu tốt và hướng dẫn họ cách sử dụng bền vững nguồn nước ngầm dự trữ.

Môi trường trực tiếp của cây cà phê có thể được thay đổi bằng một phương thức cuối cùng: nông lâm kết hợp. Nông lâm kết hợp là trồng cà phê cùng với cây che bóng, ví dụ như cây ăn quả hoặc cây lấy gỗ. Những cây trồng xen với cà phê này cho phép người nông dân kiếm thêm thu nhập bằng cách bán trái cây hoặc gỗ. Ngoài ra, những cây này còn tạo bóng mát và bảo vệ cây cà phê trước nhiệt độ khắc nghiệt và gió. Nhiệt độ trong rừng trồng theo phương pháp nông lâm kết hợp có thể thấp hơn từ 4 đến 5°C so với rừng được tiếp xúc hoàn toàn với ánh nắng mặt trời. Độ ẩm không khí cũng được duy trì bởi cây bóng mát.

Một vấn đề tiềm ẩn của nông lâm kết hợp là khi cây trồng xen với cà phê cạnh tranh nước thay vì lấy nước từ tầng sâu của đất, nhưng điều này có thể được giải quyết bằng cách lựa chọn cẩn thận loài cây che bóng phù hợp. Người nông dân chuyên trồng cà phê cũng nên học cách trồng, cắt tỉa và bón phân cho cây che bóng; nếu không, cây có thể tạo quá nhiều bóng râm và không cho nhiều quả.

Từ những ngày đầu khi lớn lên dưới bóng râm của rừng Ethiopia, cây cà phê phát triển mạnh dưới bóng râm thấp; 30% ánh sáng mặt trời là tối ưu để cây cà phê tạo ra hạt chất lượng cao mà không làm giảm năng suất tổng thể.

Ngoài ra, mô hình nông lâm kết hợp có thể tạo ra những ngóc ngách trú ẩn cho côn trùng và động vật, đi kèm với việc lưu trữ carbon làm giảm tác động của nông nghiệp đối với sự mất đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu.

 Với tốc độ phá rừng như hiện nay, chẳng bao lâu nữa sẽ có nhiều cây ngoài rừng hơn trong rừng, khiến nông lâm kết hợp trở thành những nơi ẩn náu cuối cùng của cây. Chúng ta thực sự cần cây xanh để lưu trữ carbon và tránh việc biến đổi khí hậu trở nên ngày càng trầm trọng; nếu tất cả cây xanh không thể ở trong rừng, ít ra chúng ta có thể trồng chúng trên các cánh đồng nông nghiệp.

Đến đây, chúng ta đã nói về cách cây cà phê có thể được cải thiện để phát triển mạnh trong điều kiện khí hậu nóng hơn và khô hơn. Chúng ta cũng thấy rằng việc quản lý những cánh đồng cà phê tốt hơn có thể làm giảm tác động của biến đổi khí hậu đối với sản xuất cà phê. Hai giải pháp này không thể thực hiện được nếu không có bạn—người tiêu thụ cà phê. Bạn là người quyết định loại cà phê bạn uống. Bạn có thể uống cà phê bền vững, hữu cơ hoặc cà phê thân thiện với chim. Bạn có thể quan tâm hơn đến việc tiêu thụ của mình và tìm kiếm một loại cà phê ít ảnh hưởng đến môi trường hơn hoặc một loại cà phê công bằng mà người nông dân nhận được hưởng một phần lớn hơn giá bạn phải trả.

Biến đổi khí hậu đang tạo ra nhiều điều kiện khắc nghiệt hơn cho cà phê phát triển. Các nhà khoa học luôn tìm kiếm những giống tốt hơn, chính phủ và các tổ chức phi chính phủ luôn cố gắng đào tạo nông dân tưới tiêu hoặc quản lý cây bóng mát tốt hơn. Bạn cũng có thể đóng góp vào việc bảo vệ cây cà phê trong điều kiện biến đổi khí hậu. Tốt nhất là: hãy suy nghĩ trước khi mua cà phê hôm nay để làm sao ngày mai vẫn sẽ có cà phê. 

Nhìn Tấn Thuận Sarzynski 

Bạn có thể xem thêm bài viết của Thuận tại đây hoặc xem TedTalk của anh ấy về cà phê thích ứng với khí hậu tại đây.

Bản Tiếng Anh của bài viết này được đăng đầu trên trang:  https://www.snipettemag.com/coffee-of-tomorrow/

Nhìn Tấn Thuận Sarzynski 

"Thuận có bằng thạc sĩ sinh thái và hiện đang theo học tiến sĩ về nông nghiệp nhiệt đới tại Pháp và Việt Nam. Anh có thể nói chuyện với cây cà phê và biết liệu chúng có đang hạnh phúc hay không. Bạn có thể xem thêm các bài viết của Thuận tại đây hoặc xem TedTalk của anh ấy về cà phê thích ứng với khí hậu tại đây: https://www.youtube.com/watch?v=-LpiWkr0Z1w