Con đường tự nhiên… đến với thuận tự nhiên 

“…cần gì phải lãng mạn hoá mục đích và động cơ của mình trong việc đi theo con đường thuận tự nhiên —khi bản thân sự sống, bản thân tự nhiên, bản thân sự thật này nó đã đẹp đến như vậy rồi?” – Huỳnh Hạnh Phúc 

 

Một ngày nọ, tôi có dịp đi thăm một vườn cam đạt chứng nhận hữu cơ USDA của Mỹ. Chủ vườn là anh Đức. Đất ở vườn là đất sét. 

 

Đi tới con dốc vào vườn nhà anh, tôi bắt gặp một xe tải có bánh xe đang bị lún vào đất. Đất sét nặng và dính lắm; anh Đức cùng một nhóm thanh niên dùng hai xe cẩu, ra sức đào, kéo, mất gần một tiếng đồng hồ xe mới lên được. Vào tới vườn thì chân tay quần áo của tôi cũng dơ hầy. 

 

Ngồi nói chuyện với anh, nghe anh kể rằng đất này là của ba mẹ anh chia tài sản cho; lúc trước anh làm ở Sài Gòn, sau mới về quê tiếp quản. Hồi mới trồng cam, anh Đức cũng dùng hoá chất như bao người thôi. Thế nhưng đất sét bí, nặng, “khó thở” quá, dùng bao nhiêu hoá chất cũng vậy, cam không sống nổi. 

 

Sau đó, anh quyết định đi tầm sư học đạo và chuyển sang hướng hữu cơ. Và như một lẽ dĩ nhiên, cái lý lẽ của thiên nhiên đã tưới tắm cho vườn cam của anh, giúp nó hồi sinh và đơm hoa kết trái. 

 

 

Anh nói: “Nhiều khách mua cam bảo anh ‘Tôi mua cam của cậu vì tôi tin cậu là người có tâm’. Anh chỉ cười thôi. Đối với anh, tâm tài gì đâu, bố chia cho mảnh đất xấu quá, trồng cây gì cũng không lên được, chỉ có duy nhất phương pháp hữu cơ cây mới sống được thôi!”. 

 

Câu nói của anh lúc đó khiến tôi giật mình và ngẫm nghĩ mãi. Ừ nhỉ, cần gì phải lãng mạn hoá mục đích và động cơ của mình trong việc đi theo con đường thuận tự nhiên —khi bản thân sự sống, bản thân tự nhiên, bản thân sự thật này nó đã đẹp đến như vậy rồi? 

 

Vào một ngày cuối năm 2020, tôi có mặt ở Ninh Thuận để tham gia một chuyến nhặt rác ven biển. Theo chân xe chở rác tới một bãi rác không chính thống, tôi bắt gặp những dáng người nhỏ bé đang hì hụi nhặt nhạnh giữa một núi rác cao gấp năm gấp bảy lần họ. Đó là hai cô chú đã đứng tuổi. Trò chuyện nhanh với họ, tôi mới biết rằng họ gắn bó với cái nghề nhặt rác này cũng được cả chục năm rồi. Giữa một mớ hỗn độn, họ tìm kiếm những loại “rác” có giá trị hoặc còn tái chế được, phân loại ra, đem bán lấy tiền, một ngày kiếm được mấy chục ngàn vậy đó. 

 

Bạn thấy đó, có những người từ bỏ hoá chất và đứng về phía của tự nhiên một cách rất…tự nhiên như anh Đức. Cũng có những người vào cuộc phân loại rác bất kể khó khăn, dù điều kiện làm việc có tệ hại đến như thế nào như hai cô chú ở Ninh Thuận. 

 

 

Đối với tôi, kinh doanh tạo tác động xã hội là một con đường giải quyết vấn đề mà ở đó, ta tìm cách đưa những người liên quan tới vấn đề vào cuộc; đánh thức động lực tự thân của họ; thiết kế một mô hình hoạt động mà ở đó động lực tự thân được dễ dàng chuyển hóa thành hành động, và hành động đó lại được chính hệ thống ghi nhận, hỗ trợ; từ đó động lực tiếp tục được nuôi dưỡng, tạo thành một vòng lặp động lực. Vòng lập này sẽ dẫn đến hành động vô hạn, tự động, diễn ra ngày qua ngày, cho tới khi mục tiêu đạt được hoặc vấn đề được giải quyết. 

 

Vòng lập động lực này cực kỳ quan trọng trong việc khai thác nội lực cộng đồng. Giả sử bạn tham gia một hoạt động tình nguyện. Bạn có động lực cống hiến. Nhưng thiếu đi một cơ chế ghi nhận và nuôi dưỡng, hoạt động đó của bạn chỉ diễn ra một lần rồi thôi. Như thế, tác động mà nó tạo ra chắc hẳn sẽ có nhiều hạn chế. Mô hình này chưa khai thác được hết nội lực hành động của bạn. 

 

Gần đây, chính phủ các nước, các tổ chức / quỹ phát triển, các tổ chức xã hội dân sự, doanh nghiệp cho tới chính người tiêu dùng đều bắt đầu nhận thức, quan tâm hơn tới các vấn đề về môi trường và biến đổi khí hậu. Theo tôi, những quy định, chính sách bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu không phai là rào cản cho sự phát triển kinh tế. Ngược lại, tôi tin rằng thị trường những sản phẩm, dịch vụ, nền tảng hướng tới việc hạn chế phát thải là một đại dương bao la với những cơ hội kinh tế vô cùng lớn cho ta thoả sức khám phá và sáng tạo. 

 

 

Theo tổ chức Ellen Macarthur Foundation, kinh tế tuần hoàn được xây dựng dựa trên ba nguyên tắc thiết kế mô hình và hoạt động: 

  • Design out waste and pollution: mô hình và các hoạt động không sinh ra rác thải và ô nhiễm ngay từ đầu 
  • Keep products and materials in use: mô hình và các hoạt động giúp xây dựng một vòng tuần hoàn các sản phẩm và vật liệu, tái sinh thêm các vòng đời cho chúng, hạn chế sự lạm dụng vật liệu nguyên sinh 
  • Regenerate natural systems: các hệ thống tận dụng cơ chế tự tái tạo trong tự nhiên như năng lượng xanh (năng lượng gió, năng lượng mặt trời), nông nghiệp hữu cơ không hoá chất độc hại, v.v… 

 

Mọi thứ đều còn mới mẻ, việc thiết kế một mô hình tận dụng được động lực tự thân của các bên liên quan là một thử thách lớn, đòi hỏi ta liên tục phải xây dựng – thử nghiệm – cải tiến. Dòng tài chính hỗ trợ kinh doanh tạo tác động xã hội còn hạn chế, nguồn nhân lực chất lượng cao hiện nay đa số vẫn chảy vào các mô hình kinh doanh truyền thống, v.v…Con đường đổi mới luôn luôn  còn lắm gian nan. 

 

 

Nhưng tôi tin rằng đây là một con đường tất yếu mà nhân loại rồi sẽ phải đi. Còn bạn? Bạn có muốn trở thành một người tiên phong, một người mở đường, một người kiến tạo nên sự thay đổi, thay vì ngồi chờ sự thay đổi ập tới hay không? 

 

Huỳnh Hạnh Phúc

" Tốt nghiệp MBA của Đại học Missouri, Thạc sĩ Chính sách công từ Đại học Harvard, anh Huỳnh Hạnh Phúc trở về nước và dành toàn bộ tâm huyết để phát triển các dự án khởi nghiệp xoay quanh ba giá trị cốt lõi: đào tạo nhân lực, phát triển bền vững và kiến tạo cơ hội cho người yếu thế. Anh là sáng lập và chủ tịch của Teach For Vietnam, cựu giám đốc của DNXH Green Edu và hiện tại, anh đang điều hành DNXH Green Connect với 2 dự án GreenPoints - ứng dụng di động biến hành trình sống xanh trở nên thú vị hơn và NODA - sàn thương mại điện tử phụng sự sản xuất xanh."