Cụ thể hóa các mục tiêu toàn cầu vì một thế giới phát triển bền vững ở địa phương

Bài học từ Ươm mầm xanh 

Trong những năm vừa qua, Việt Nam đã không ngừng thể hiện vai trò và cam kết của mình trong việc đạt các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Những chính sách nghị định ban hành từ Chính phủ đã thể hiện sự quyết tâm, mang tính nhất quán đồng bộ của các bộ ban ngành. Từ quy định tại Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, đến quyết định số 681/QĐ-TTg (2019) ban hành “Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030”. 

Tuy nhiên, các khái niệm về phát triển bền vững, biến đổi khí hậu đang còn khá mơ hồ với đại đa số người trẻ, hoặc nhiều bạn trẻ chưa nhận ra vai trò của mình vào việc góp phần đạt được các mục tiêu trên ở các địa phương. Để thu hẹp khoảng cách cũng như làm tăng khả năng thực thi đường lối chinh sách của Chính phủ Việt Nam, dự án Ươm mầm xanh Thanh Hóa với sự kết hợp giữa 2 tổ chức ThanhHoa Youth Change Makers và DNXH Karuna Việt Nam ra đời với mục đích ươm mầm tư duy xanh cho các bạn trẻ ở địa phương Thanh Hóa.   

Ươm mầm xanh Thanh Hóa là chuỗi hoạt động được thiết kế theo mô hình học qua dự án nhằm nâng cao nhận thức của các bạn trẻ thanh thiếu niên trong tỉnh Thanh Hóa về phát triển bền vững, biến đổi khí hậu và tư duy khởi nghiệp tạo tác động xã hội. Tuy nhiên để tạo cảm hứng cho các bạn thanh thiếu niên tích cực tham gia thì dự án đã lồng ghép các hoạt động trải nghiệm như trồng cây tại các Thiền Viện và trường học, đổi rác lấy cây, hoạt động gây quỹ từ Trash Halloween, và các dự án đang được nhân rộng tại trường THPT Lam Kinh như đi nhặt rác tại địa phương, tái chế rác và trồng cây, trao đổi sách. 

Sau khi triển khai các hoạt động của dự án, tôi đã rút ra cho mình một số bài học chiêm nghiệm: 

Một là, sau 2 năm thí điểm dự án, tôi phải thừa nhận khi đưa những mô hình và hoạt động này tại địa phương, chúng ta cần thời gian và kiên nhẫn để “các hạt” nảy mầm, nó có thể 3 tháng, 1 năm hoặc có thể 5 đến 10 năm. Điều quan trọng nhất là các bạn cần có môi trường để nuôi dưỡng và chia sẻ. Điều này cũng được chứng minh thông qua thuyết thay đổi hành vi của con người của Prochaska và Diclemente nghiên cứu.[1]

Hai là, trên hành trình này đâu đó chúng ta sẽ thấy câu khẩu hiệu “Never too young to lead” (Không bao giờ quá trẻ để dẫn dắt) tuy nhiên vế này còn thiếu đó là hãy dẫn dắt, lãnh đạo khi có đủ một vốn kinh nghiệm hoặc kiến thức nhất định, hay với một tâm thế cởi mở, khiêm tốn để có thể phát triển bản thân nhiều hơn. Bài toán đặt ra là làm thế nào để vừa trao quyền, khuyến khích các bạn trẻ đứng ra tiên phong hoặc làm chủ các hoạt động tác động đến cộng đồng, vừa giảm thiểu những rủi ro khi thực hiện các hoạt động, dự án đó. Câu trả lời đối với tôi tại thời điểm hiện tại đó là cần có các anh chị đi trước đồng hành và sẵn sàng hỗ trợ trên nền tảng tôn trọng ý kiến của các bạn, và để cho các bạn học cách chịu trách nhiệm với những quyết định của mình. Các bạn còn trẻ, các bạn cần trải nghiệm, có thể là thành công hay thất bại nhưng mong rằng các bạn trưởng thành hơn khi trải nghiệm đi cùng với chiêm nghiệm (reflection), năng lực tự nhìn lại bản thân để có những cái nhìn sâu hơn về các vấn đề xung quanh, giúp các bạn không ngừng phát triển cá nhân.

Ba là, nhiều bạn thủ lĩnh trẻ đôi khi sẽ cảm thấy lẻ loi trên con đường này, tuy nhiên lời khuyên đối với các bạn cứ đi là sẽ đến, ở thời gian ban đầu chỉ cần 1 hoặc 2 người tâm huyết, đôi khi trải nghiệm đơn độc sẽ giúp các bạn kiên định và kiên nhẫn hơn với mục tiêu các bạn muốn và tự các bạn sẽ tìm được giải pháp cho mình. Điều này cũng được thể hiện qua các giai đoạn hình thành đội nhóm do Tuckman’s (1965) nghiên cứu và đề ra, sự rời đi của các thành viên trong dự án trong giai đoạn đầu là điều bình thường, không tránh khỏi, đặc biệt là đối với các bạn trẻ ít có kinh nghiệm và trải nghiệm trong các hoạt động đội nhóm. Câu hỏi ở đây là làm thế nào giảm thiểu rủi ro và tìm được những người bạn phù hợp để đồng hành cùng mình trong giai đoạn hoạt động hoặc dự án triển khai. 

Tuckman’s (1965)

Bốn là, sự cầu toàn đôi khi là con dao hai lưỡi, đối với các dự án thanh thiếu niên bảo vệ môi trường, chúng ta cần học cách bao dung hơn với hành động của những người xung quanh. Chúng ta đã có lúc tức giận khi thấy con người tàn phá rừng một cách không thương tiếc, vứt rác bừa bãi, hay lạm dụng sử dụng túi bóng nilon. Nhưng hãy bao dung, hãy kiên trì và thay đổi thói quen cho bản thân, cho gia đình, và xã hội ngày một, chấp nhận đây là một chiến dịch dài hơi thiên niên kỷ.

Năm là, trong quá trình tham gia các hoạt động cộng đồng, hãy thực hành để trở thành một tình nguyện viên có trách nhiệm. Thực tế, cho thấy các bạn trẻ tham gia các hoạt động cộng đồng có nhiều mục đích khác nhau, nhưng dù là mục đích gì chúng ta nên đặt mục tiêu, sứ mệnh của dự án đó lên hàng đầu, và cố gắng đóng góp trong khả năng của mình để dự án đó thành công. 

Cuối cùng “đừng bao giờ nghi ngờ khả năng của một nhóm nhỏ các công dân quan tâm và tận tụy trong việc đổi thay thể giới. Thực ra, đó là điều duy nhất đã thay đổi thế giới này” (Never doubt that a small group of thoughtful, committed citizens can change the world. Indeed, it is the only thing that ever has- Margaret Mead). Đây là những điều mà Ươm mầm xanh Thanh Hóa mà ThanhHoa Youth Change Makers và DNXH Karuna Việt Nam đang từng bước làm và lan tỏa, nhỏ nhưng mà xinh xắn.  

 

Tìm hiểu thêm về các hoạt động của Ươm mầm xanh tại: https://www.facebook.com/ThanhHoaYouthChangeMakers 

[1] Transtheoretical Model of Behavior Change | ProChange Behavior Solutions

Để triển khai được những hoạt động trên, thay mặt ThanhHoa Youth Change Makers và Doanh nghiệp xã hội Karuna Việt Nam xin gửi lời cám ơn đến các đối tác tài trợ đến từ quỹ sáng kiến YSEALI từ Đại sứ quán Hoa Kỳ và quỹ thế hệ xanh của Live and Learn được tài trợ bởi Đại sứ quán Đan Mạch, từ cộng đồng địa phương, các cố vấn dự án và các tình nguyện viên đã đồng hành cùng dự án. 

 

Trịnh Thị Hải Yến

Ths. Trịnh Thị Hải Yến- Sáng lập DNXH Karuna Việt Nam và ThanhHoa Youth Change Makers Chị tốt nghiệp Thạc sỹ Quản lý dự án, trường Đại học Southampton và từng đại diện Việt Nam tham dự chương trình Doanh nhân mới nổi trong khu vực ASEAN và Úc (A2ELP) do Đại sứ quán Úc tài trợ và chương trình doanh nhân tương lai YSEALI Futurepreneurs do tổ chức Kenan Foundation Asia và ĐSQ Mỹ tại Bangkok tổ chức và tài trợ. Hiện tại chị đang dồn tâm huyết cho mô hình trang trại giáo dục hữu cơ ong Karuna liên kết với các Hợp tác xã vùng cao để tạo thêm sinh kế cho bà con, nâng cao nhận thức của bà con về phát triển bền vững, về bảo vệ rừng, bảo vệ loài ong nhằm giảm thiểu biến đổi khí hậu.