Từ niềm quan tâm rác thải đến hành động vì môi trường 

Một thế giới nhiều bão giông, những khó khăn mà Trái Đất cùng chúng mình đang phải chống chịu: thiên tai, ô nhiễm nước, ô nhiễm nhựa, và còn rất nhiều những khó khăn khác mà kể ra thì dài lắm. 

 

Đứng trước những vấn đề đang hiện hữu trước mắt ấy, trong người mình không khỏi tự hỏi: Tại sao? Nguyên nhân là gì? Chúng ta cần phải làm gì?

 

Để thay đổi và cải thiện thế giới ấy, có lẽ phải bắt đầu từ những thay đổi tự thân, điều mà luôn là một chủ đề khó, nhưng không phải không thể làm được. Một khi ai ai cũng dũng cảm lên tiếng và hành động, chúng mình sẽ đóng góp xây dựng nên một thế giới hòa thuận với thiên nhiên hơn, với Trái Đất và lắng nghe được tiếng thì thầm của thiên nhiên. 

Tại nơi mình sống, chẳng nhiều người muốn thay đổi, và khá khó khăn để họ tự nhìn lại được rằng nếu không thay đổi thì điều gì sẽ xảy ra. Liệu các thông điệp cần sự thay đổi còn “nhẹ nhàng” và “dễ tính” như COVID-19 hay biến đổi khí hậu không. Khí hậu biến đổi chắc hơi khó hiểu nhưng cùng mình thử quan sát, cảm nhận xung quanh chỉ một giây lặng lại xem sao: liệu trời đang nóng quá không, liệu đang mưa nhiều không hay năm nay thời tiết khác nhiều với năm ngoái không? Ừ thì ngày càng nóng đấy, hiện thực của biến đổi khí hậu là ta thấy nóng hơn này khiến chúng ta phải dùng điều hoà nhiều hơn thay vì gió trời. 

Đứng trước những biến đổi khí hậu đó, chúng ta cần phải thay đổi hành động. Nhưng để thấy được sự thay đổi đó mỗi chúng ta cần giúp đỡ lẫn nhau, cùng chia đồng hành nâng cao nhận thức từ những thứ nhỏe nhất. Ví như chỉ từ chối một chiếc túi nilon hay chai nhựa tại chợ ngày hôm nay, là chúng ta đã nhận được sự biết ơn từ chú rùa đang mắc kẹt trong túi hay chú gấu Bắc Cực đang hết băng để đứng rồi.

Nhìn lại vào những tài liệu khoa học, từ những năm 1950, biến đổi khí hậu đã bắt đầu cùng với công nghiệp hoá hiện đại hoá. Và biến đổi khí hậu đó tiếp tục diễn ra trong suốt thời gian qua để đến 25/03/2022 người ta thấy vi nhựa trong máu người. Hay 16/05/2022 mới đây thôi, người ta tìm thấy vi nhựa trong không khí ở Đà Nẵng [1]. 

Vậy rác thải sinh hoạt hàng ngày của chúng mình sẽ ảnh hưởng đến môi trường thế nào? Một chiếc túi rác được đặt ở dưới đất, bên trong là rau củ quả cùng nhựa, cùng giấy. Chúng sẽ đi “thỉnh kinh” 7749 chuyến tới một khu đất nào đó để bị đốt hết. Ngày 03/11/2021, bãi rác Nam Sơn đã phải dừng nhận rác của chúng mình bởi quá tải rác thải. Khoảng số rác nặng bằng 1666 con voi 3 tấn lũ lượt đi vào bãi mỗi ngày đấy, tức khoảng 5000 tấn rác sẽ hội tụ ở đó. Hy vọng bạn sẽ không phải là người sống gần, và cũng như không phải người đóng góp phần nhiều vào “số voi” đó.

Bãi rác Nam Sơn. Ảnh: TTXVN

Để hạn chế rác thải ra môi trường mỗi ngày, vẫn đang có những người tìm hiểu khá nhiều để tự ủ phân tại nhà, để tự phân loại rác, để từ chối mua thêm rác. Mình luôn hy vọng rằng thế giới mình mong muốn thì đất nào ăn được thì để đất ăn, đừng bê tông nhiều thế. Đồ một lần nào không cần, thì mong người đừng mua. 

Từ việc chứng kiến thấy những bãi rác thải đó nên từ khi còn đi học, mình đã thấy kì cục về rác trên đường, cảm thấy rất xấu hổ khi người nước ngoài đến thấy rác nhiều quá. Thế là vào đại học ngành môi trường…vì rác. 

Khi đi làm những cái “môi trường” đầu tiên như: đi sơn gốc cây, đi gom giấy vụn…mình thấy chẳng đã. Thế là mình bắt đầu với dự án cá nhân đầu tiên: 1 phút môi trường, các video ngắn về môi trường, lấy cảm hứng từ Nas 1 phút. Đây là video đánh dấu sự khởi đầu của bản thân mình với mối quan tâm đầu về rác thải. Sau đó mình tham gia một dự án chuyên nghiệp hơn với tư cách là một người điều phối, một người thiết kế hoạt động. Dự án đã giúp mình gặp gỡ và quen biết với một người chị tham dự COP21, chị đã mở cho mình những góc nhìn mới và phù hợp với mình về giáo dục môi trường. Dự án cho phép mình rèn khả năng khơi cảm hứng cho học sinh và quan sát khả năng học tập lẫn kết nối cảm xúc khi học và chơi về môi trường. Mình học cách sử dụng không gian và nguyên liệu có sẵn như nào, và cũng là lúc nhìn lại để thực sự gắn kết cảm xúc vào môi trường.

Kết quả lúc đó khá tốt khi có khoảng 60 bé đã biết về phân loại rác. Nhưng mình chú trọng hơn vào cảm hứng và kết nối cảm xúc với thiên nhiên, nên không chỉ là biết, hay chỉ một hành động phân loại, các bạn còn hiểu được sức ảnh hưởng của hành động của mình tới tự nhiên. Nhìn thấy các bạn nhỏ tập hành động vì môi trường, mình lại càng có thêm động lực để hành động nhiều hơn. Và mình bắt đầu thử trồng đa dạng cây tại nhà, và hành trình này cho thấy tự nhiên có nhiều điều thú vị lắm. Nó khiến mình kết nối nhiều hơn với niềm yêu thích cây và nuôi giấc mơ về với rừng cây.

Bên cạnh đó, mình cũng bắt đầu ủ phân tại nhà và thuyết phục gia đình mình cùng ủ. Sau khi thành công tại nhà, mình lên đường đi tập huấn ủ phân cho huyện Đông Anh, kêu gọi mọi người cùng hành động. Kết quả dự án là

Sau khi đi tập huấn về, mình cảm thấy yêu thích những dự án về giáo dục môi trường. Và mình tìm thấy dự án giáo dục kết hợp lịch sử và môi trường, tên Nhà Không Cửa, để trả lời cho việc giải pháp môi trường và “ngày xưa ông bà ta” có liên quan gì. 

Rồi mình tiếp tục theo chân tới miền Trung để làm một dự án giáo dục bảo tồn với LVDI. Nơi đây cho mình thử ý tưởng giáo dục mới kết hợp ứng tác và nghệ thuật kể chuyện. Ý tưởng này khiến mọi người khá thích thú, dễ hiểu nên đã tạo được thành công rực rỡ. Sau đó đi tiếp với Live Learn về chủ đề ô nhiễm không khí, đi với Ynet về chủ đề biến đổi khí hậu, đi với Cuộc cách mạng một cọng rơm về môi trường cảm xúc cá nhân và nông nghiệp, đi với Touch vietnam về triển lãm rác thải.

Đến giờ, mình lại tiếp tục đi Tô Đậm và giáo dục môi trường. Cũng hên, vừa đi vừa ném hạt giống bản địa ra chỗ đất trống, và tự đi nhặt rác, thấy các bé trong trường cũng lao vào nhặt theo. Ôi vui ghê. Thấy đời đẹp thế nhỉ. Và nó xuất phát từ mình, mình tự hỏi, tự làm, tự thay đổi. Nếu ai đó đọc đến đây thì khuyến khích bạn làm phần của mình, trong khả năng, là ở đâu đó một người hoặc một cái cây, một con vật đang cảm ơn bạn rất nhiều rồi đó.

Vậy đó, mình mong rằng bạn hãy tìm hiểu kỹ mình làm được gì để không phụ thuộc vào thế giới bên ngoài quá nhiều. Tâm an thì thế giới an nhé. Thiên nhiên thịnh vượng, sẽ luôn chữa lành và nuôi dưỡng bạn, củ su hào, củ cà rốt sẽ luôn nuôi dưỡng bạn vì vậy hãy chú ý bảo vệ môi trường xung quanh, thiên nhiên bên cạnh mình. 

Hy vọng Stockholm sẽ không cần phải đón ai đến để giải quyết vấn đề trong nhiều năm nữa, loài người làm việc này “over a year” rồi. Nếu bên tạo gió trở nên lặng, thì cây sẽ được ngừng.

 

[1] https://vietnamnews.vn/environment/1192021/microplastic-pollution-found-in-da-nang-air.html

 

 

 

Nguyễn Hoàng Nam

Đang cố hết sức trở thành một nông dân làng sinh thái, gỗ, nhà trên cây, trồng cây, nhạc, nhạc ứng tác, hài ứng tác, thấy chạm thì gọi mình. Hihi.