Báo cáo Hiện trạng Môi trường quốc gia giai đoạn 2016 – 2020

Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao gây ra áp lực lớn lên môi trường do các loại chất thải phát sinh từ các hoạt động phát triển kinh tế, công nghiệp hóa, đô thị hóa và đồng thời cũng đặt nhiều thách thức cho công tác bảo vệ môi trường.  Tình trạng ô nhiễm môi trường diễn biến phức tạp tại một số khu vực như: ô nhiễm không khí tại một số thành phố lớn, khu công nghiệp, khu vực sản xuất, kinh doanh; vấn đề tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật gây tác động tiêu cực đến môi trường đất. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng khó lường cũng gây nên khó khăn với công tác bảo vệ môi trường.  

Báo cáo đánh giá tổng quan hiện trạng môi trường Việt Nam, từ hoạt động phát triển kinh tế – xã hội, nguyên nhân, các nguồn tác động chính lên môi trường, diễn biến chất lượng môi trường đất, nước, không khí. Từ những đánh giá kết quả, khó khăn và vướng mắc, xác định các vấn đề thách thức trong công tác quản lý và bảo vệ môi trường, đề xuất các nhóm giải pháp định hướng lâu dài cũng như giải pháp cấp bách ưu tiên để thực hiện một cách hiệu quả, bền vững phù hợp trong giai đoạn tiếp theo. 

 

 

 

Báo cáo tiềm năng Năng lượng gió, sóng ngoài khơi tại các vùng biển Việt Nam

Thông qua những tiết học địa lý, chắc hẳn chúng ta đều biết Việt Nam là nước nằm trong vùng gió mùa châu Á mạnh và ổn định, nhờ đó tiềm năng năng lượng gió ở nước ta được đánh giá là vô cùng dồi dào. Thông qua khảo sát của Ngân hàng Thế giới (World Bank), tuy Việt Nam là nước có tiềm năng gió trung bình so với các nước trên thế giới và trong khu vực nhưng lại có tổng tiềm năng điện gió ước tính đạt 513.160MW, lớn gấp 200 lần công suất của nhà máy thủy điện Sơn La và hơn 10 lần tổng công suất dự báo của ngành điện Việt Nam năm 2020. 

Năng lượng tái tạo đã và đang được chứng minh là một trong những biện pháp phù hợp nhất để giảm phát thải khí nhà kính, giảm ô nhiễm và tiết kiệm nguồn nhiên liệu. Báo cáo tiềm năng năng lượng gió, sóng ngoài khơi tại các vùng biển Việt Nam cung cấp các thông tin về thực trạng nghiên cứu, phát triển công nghệ và khai thác năng lượng gió, sóng ngoài khơi trên thế giới và tại Việt Nam, những kết quả nghiên cứu bước đầu về phấn bố chi tiết tiềm năng năng lượng gió, sóng tại các vùng biển của Việt Nam.

Báo cáo Đánh giá khí hậu quốc gia

Báo cáo Đánh giá khí hậu quốc gia lần thứ nhất được xây dựng với mục đích cung cấp các thông tin về đặc điểm, hiện trạng và mức độ thay đổi của khí hậu, những tác động ở hiện tại và trong tương lai của BĐKH để hỗ trợ cho việc xây dựng, triển khai thực hiện các kế hoạch ứng phó với BĐKH và lồng ghép ứng phó với BĐKH vào các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội của các bộ, ngành và địa phương. Bên cạnh đó, Báo cáo cũng góp phần phổ biến và nâng cao nhận thức xã hội về các thay đổi của khí hậu, tác động của BĐKH, các thách thức cũng như cơ hội trong ứng phó với BĐKH tại Việt Nam.

Các nội dung chính của Báo cáo liên quan đến: (i) Phân tích mức độ dao động khí hậu và biến đổi của khí hậu ở Việt Nam (Chương I); (ii) Xác định mức độ phù hợp của kịch bản BĐKH, việc sử dụng kịch bản BĐKH trong hoạt động ứng phó với BĐKH (Chương II); (iii) Đánh và tổng hợp tác động của BĐKH đối với các nhóm đối tượng chính như thiên tai khí tượng thủy văn, tài nguyên, môi trường và hệ sinh thái và các hoạt động kinh tế – xã hội (Chương III); và (iv) Tổng hợp và đánh giá hiệu quả của các chính sách ứng phó với BĐKH ở Việt Nam có tính đến các tác động đến phát triển kinh – tế xã hội và mục tiêu phát triển bền vững (Chương IV). Do Báo cáo được xây dựng lần đầu tiên nên một số thông tin và các chỉ số đánh giá chưa được xây dựng, thu thập và áp dụng một cách đầy đủ, vì thế cần được cập nhật và hoàn thiện trong các kỳ báo cáo tiếp theo. 

Báo cáo Đánh giá khí hậu quốc gia lần thứ nhất đã đưa ra được những thông tin cơ bản về đặc điểm, hiện trạng, mức độ thay đổi của khí hậu, khí hậu cực đoan,  phân tích những tác động của biến đổi khí hậu ở hiện tại và tương lai, xu thế thay đổi của khí hậu. Báo cáo cũng đã nhận định về những nỗ lực, thành quả và thiếu hụt trong ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam trong thời gian qua.

Các dự tính về biến đổi khí hậu cung cấp thông tin về các rủi ro trong tương lai dựa trên các kịch bản RCP theo mức độ: Cơ bản và nâng cao, có thể khai thác và sử dụng trực tiếp hoặc có thể làm đầu vào cho các mô hình để phân tích, đánh giá tác động và xây dựng các giải pháp ứng phó cũng như trong việc lồng ghép vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, vì vậy cần được xem xét và lựa chọn phù hợp với từng ngành, lĩnh vực và địa phương với các tiêu chí: Tính đặc thù; Tính đa mục tiêu; Tính hiệu quả nhiều mặt; Tính bền vững; Tính khả thi.

Báo cáo là tài liệu cung cấp thông tin hữu ích cho việc xây dựng, triển khai thực hiện các kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu, hỗ trợ cho việc lồng ghép ứng phó với biến đổi khí hậu vào các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội của Bộ, ngành và địa phương. 

Kịch bản biến đổi khí hậu phiên bản cập nhật năm 2020

Năm 2009, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã lần đầu tiên công bố Kịch bản biến đổi khí hậu nhằm phục vụ cho việc đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến các ngành, lĩnh vực, khu vực và sử dụng trong quá trình xây dựng và cập nhật chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển của ngành, vùng, địa phương. Trong thời gian qua, tình hình biến đổi khí hậu và môi trường đã biến đổi rất nhiều và đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cập nhật thường xuyên thông qua bản Kịch bản Biến đổi khí hậu. Kịch bản lần này là đã sử dụng các công bố mới nhất của Ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu, kết quả cập nhật nhất của các mô hình khí hậu toàn cầu, số liệu quan trắc khí tượng thủy văn, số liệu mực nước biển đo đạc từ vệ tinh và số liệu địa hình, bổ sung 10 phương án mô hình toàn cầu và 6 mô hình khu vực. 

Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2017 – chuyên đề “Quản lý chất thải”

Môi trường nước ta đang chịu nhiều áp lực lớn từ hoạt động phát triển kinh tế – xã hội trong nước, theo dòng thương mại quốc tế và tác động xuyên biên giới. Việc đưa một lượng lớn chất thải (chất thải rắn, nước thải, khí thải) vào môi trường, nhưng vấn đề kiểm soát, quản lý chất thải còn nhiều hạn chế dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn tiếp tục xảy ra ở nhiều nơi, nhiều khu vực đã bị ô nhiễm khá nghiêm trọng.

Quản lý chất thải luôn là một trong những nội dung trọng tâm của công tác quản lý môi trường và nhận được rất nhiều sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý chất thải vẫn còn những tồn tại, hạn chế: tỷ lệ chất thải rắn, nước thải được thu gom, xử lý còn thấp; việc kiểm soát khí thải từ các hoạt động giao thông, sản xuất công nghiệp… chưa đáp ứng yêu cầu thực tế; đặc biệt, vấn đề quản lý chất thải nguy hại vẫn còn đặt ra nhiều khó khăn, thách thức.

Thực hiện theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, với mục tiêu đánh giá tổng thể và toàn diện về công tác quản lý chất thải và các vấn đề liên quan ở Việt Nam trong giai đoạn 2013 – 2017, những việc đã làm được cũng như những khó khăn thách thức đã và đang đặt ra, từ đó đề xuất phương hướng, giải pháp quản lý an toàn và hiệu quả chất thải trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã lựa chọn chủ đề “Quản lý chất thải” cho Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2017.

Thông báo quốc gia lần thứ ba của Việt Nam cho Ban Thư ký UNFCCC

Thực hiện quy định tại Điều 4.1 và Điều 12.1 của Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) về việc các quốc gia xây dựng Thông báo quốc gia gửi Ban Thư ký UNFCCC, Bộ Tài nguyên và Môi trường – Cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện UNFCCC, Nghị định thư Kyoto, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu – đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng và hoàn thành Thông báo quốc gia lần thứ ba của Việt Nam cho Ban Thư ký UNFCCC.

Thông báo quốc gia lần thứ ba của Việt Nam được xây dựng theo hướng dẫn của UNFCCC, bao gồm 06 chương, phản ánh được: Bối cảnh quốc gia; kiểm kê quốc gia khí nhà kính; tác động của biến đổi khí hậu và các biện pháp thích ứng; đánh giá các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và các chính sách có liên quan; thông tin về chuyển giao công nghệ phục vụ ứng phó với biến đổi khí hậu, nghiên cứu và quan trắc biến đổi khí hậu; giáo dục, đào tạo, tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu, thông tin và mạng lưới, tích hợp và lồng ghép vấn đề biến đổi khí hậu vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội; những khó khăn, thiếu hụt và nhu cầu hỗ trợ đối với Việt Nam

Báo cáo kỹ thuật Đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam (cập nhật năm 2020)

NDC cập nhật của Việt Nam phân tích, cập nhật và bổ sung một số nội dung gồm:
(i) Rà soát, cập nhật và điều chỉnh các đóng góp về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu phù hợp hơn với hiện trạng và dự báo phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia đến 2030; bảo đảm mục tiêu thực hiện NDC phù hợp với các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và Chiến lược phòng chống thiên tai.
(ii) Áp dụng một số yêu cầu mới đối với NDC được thông qua tại COP24 phù hợp với khả năng của Việt Nam.
(iii) Làm rõ hơn nội dung về tổn thất và thiệt hại, bổ sung những nỗ lực mới nhất của Việt Nam trong thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
(iv) Bổ sung nội dung đánh giá tác động của việc thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đến phát triển kinh tế – xã hội.
(v) Bổ sung nội dung phân tích về đồng lợi ích giữa thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và phát triển bền vững.
(vi) Bổ sung các chỉ số phù hợp tạo thuận lợi cho việc theo dõi, đánh giá định kỳ tiến độ thực hiện NDC.
(vii) Bổ sung nội dung hệ thống quốc gia về đo đạc, báo cáo, thẩm định (MRV) đối với các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, hệ thống giám sát và đánh giá (M&E) đối với các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu phục vụ cho việc thực hiện NDC.
(viii) Làm rõ hơn những thuận lợi, khó khăn và kế hoạch thực hiện NDC trong bối cảnh quốc tế, quốc gia hiện nay và các giải pháp khắc phục.
Báo cáo kỹ thuật làm rõ lộ trình hiện thực hoá các Đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam.

Để đọc thêm về các NDC, vui lòng truy cập đường link – https://www4.unfccc.int/sites/NDCStaging/Pages/All.aspx

Kịch Bản Biến đổi Khí Hậu Và Nước Biển Dâng Cho Việt Nam

Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố lần đầu vào năm 2009 trên cơ sở tổng hợp các nghiên cứu trong và ngoài nước để kịp thời phục vụ các Bộ, ngành và các địa phương trong đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến các ngành, lĩnh vực và khu vực đồng thời là cơ sở để phục vụ việc xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2010-2015.

Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam năm 2016 được cập nhật theo lộ tình đã được xã định trong Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, nhằm cung cấp những thông tin mới nhất về diễn biến, xu thế biến đổi của khí hậu và nước biển dâng trong thời gian qua và kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng trong thế kỷ 21 ở Việt Nam.